Bước ngoặt lịch sử
Hẳn nhiều người khi nhìn thấy những chiếc đàn Yamaha đã đặt ra câu hỏi, liệu giữa chúng và những chiếc xe máy Yamaha quen thuộc chạy đầy đường phố Việt có mối liên hệ nào với nhau không?
Lần tìm lại lịch sử mới thấy rằng, hãng xe máy Yamaha danh tiếng bây giờ vốn có tiền thân là một Công ty sản xuất đàn. Torakusu Yamaha - nhà sáng lập Tập đoàn Yamaha khởi nghiệp từ việc chế tác ra những cây đàn.
Sáu tháng kể từ khi đi sửa đàn và biết đến piano, Torakusu tạo ra chiếc đàn của riêng ông được đánh giá rất cao, có thể thay thế các loại đàn ngoại nhập. Năm 1888, ông thành lập Công ty Nippon Gakki chuyên sản xuất đàn.
Sau khi nhà sáng lập Torakusu Yamaha qua đời vào năm 1916, công ty tiếp tục sản xuất piano và một số nhạc cụ khác. Tuy nhiên, trận động đất Kanto năm 1923 và sự tàn khốc của thế chiến thứ II khiến Yamaha đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản.
Người có công đưa Yamaha trở lại quỹ đạo là vị chủ tịch thứ 3 của hãng, Kaichi Kawakami. Ông thực hiện chương trình cải cách lớn và giúp công ty trụ vững cho đến khi bàn giao lại cho con trai Genichi Kawakami.
Genichi Kawakami tạo bước ngoặt khi Yamaha từ một công ty sản xuất đàn mở rộng sang lĩnh vực xe máy. |
"Tôi muốn chúng ta thử chế tạo động cơ xe gắn máy" - câu nói huyền thoại của Chủ tịch Genichi Kawakami mở đầu cho lịch sử hình thành Yamaha Motor. Ở tuổi 38, Genichi Kawakami kế thừa sự nghiệp của cha mình tại Nippon Gakki (nay là Yamaha Corporation), trở thành chủ tịch thứ 4 của công ty. Thử thách đầu tiên sớm đến với ông khi phải đưa ra quyết định tận dụng toàn bộ cỗ máy gia công cơ khí cũ cho một trong hai dây chuyền sản xuất mới: sản xuất máy khâu hoặc sản xuất xe máy.
Tầm nhìn rộng giúp Genichi Kawakami lựa chọn xe máy, dù thị trường bấy giờ đã có hơn 150 nhà sản xuất xe máy lớn nhỏ cạnh tranh gay gắt. Ông hiểu rằng Yamaha đang bước vào một cuộc đua khốc liệt, trong đó sự khác biệt và giá trị riêng mới mang lại thành công.
Chính vì thế, Genichi Kawakami đã quyết định đầu tư, cử kỹ sư đi châu Âu học hỏi kinh nghiệm. Ông cũng dành hơn 3 tháng ròng rã đi khảo sát những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Những trải nghiệm thực tế đã được vị lãnh đạo Yamaha và các kỹ sư đúc kết để áp dụng vào mô hình kinh doanh mới.
Chiếc xe Yamaha đầu tiên
Thành quả đầu tiên của Yamaha là xe gắn máy YA-1 ra đời năm 1955. Với thiết kế đẹp mắt, đậm chất thể thao, màu sắc mới lạ là nâu hạt dẻ, ngà voi cùng công nghệ sơn cao cấp học hỏi từ bộ phận sản xuất đàn piano, YA-1 nổi bật so với những chiếc xe được thiết kế chắc chắn nhưng có phần đơn điệu và tẻ nhạt trên thị trường bấy giờ.
YA-1 có thiết kế đẹp mắt, đậm chất thể thao, màu sắc mới lạ khác hẳn với những mẫu xe máy thô kệch thời bấy giờ. |
Tuy nhiên, thời điểm YA-1 ra mắt, người Nhật Bản đã quen với Yamaha qua hình ảnh của những chiếc đàn. Công ty vấp phải nhiều dư luận và định kiến: “Xe Yamaha khi chạy chắc sẽ phát ra tiếng đồ rê mi”. Đáp lại điều này, Genichi Kawakami lặng lẽ thành lập một cuộc đua xe lên đỉnh núi Phú Sỹ năm 1955 để chứng minh sức mạnh của YA-1. Với ngôi vị quán quân và 5 vị trí khác trong top 10 ở hạng mục 125 cc, danh tiếng của Yamaha lan rộng khắp Nhật Bản.
YA-1 phát triển dựa trên nguyên mẫu DKW RT125 của Đức, thời điểm đó đang được ca ngợi về vẻ đẹp và mức độ kỹ thuật cao. Genichi Kawakami chỉ thị đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và tái tạo tất cả đặc tính hữu ích của RT125 một cách chính xác nhất. Ông đòi hỏi sản phẩm phải mang chất lượng của nguyên mẫu, nhưng được sáng tạo phù hợp với thị trường Nhật Bản.
Theo đó, Yamaha chế tạo động cơ gần giống với RT125 nhưng tích hợp bộ truyền động 4 tốc độ, thay cho bộ 3 tốc độ nguyên thủy. YA-1 sử dụng động cơ 2 thì, xi-lanh đơn, dung tích 125 phân khối và bộ phận làm mát bằng không khí.
Với công suất 5,6 mã lực tại vòng tua máy 5.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 9,4 Nm tại 3.300 vòng/phút, YA-1 có khả năng chinh phục mọi địa hình khắc nghiệt.
YA-1 hội tụ đầy đủ các yếu tố: thiết kế đẹp, màu sơn nâu đỏ độc đáo, khởi động chỉ bằng một cú đạp nhẹ, tăng tốc nhanh. Vì vậy, YA-1 vừa dễ sử dụng, vừa mang đến cho người dùng phong cách thời thượng, tao nhã.
Chiến lược của Genichi biến YA-1 vô danh trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản. Tốc độ bán tăng vọt. Ba năm liên tiếp, khoảng 11.000 chiếc YA-1 được tiêu thụ, dù mức giá của nó không hề rẻ và kinh tế Nhật đang gặp nhiều khó khăn do tàn dư của chiến tranh thế giới thứ II. Và quan trọng hơn, sau sự xuất hiện của YA-1, một “đế chế xe máy” hùng mạnh mang tên Yamaha đã ra đời.