Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư phát biểu tại buổi họp báo |
Theo đó, Luật này có hiệu lực từ 1/1/2017, trừ quy định về một số các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ 1/7/2017 như: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Thứ trưởng Đông cho biết, việc tập hợp và công bố Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo phương pháp chọn bỏ là một trong những cải cách quan trọng của luật Đầu tư.
"Việc đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong một thời gian dài, vượt qua 3 vòng thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội trước khi được trình ra Quốc hội".
Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải |
Trả lời thắc mắc về việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục này, ông Đặng Huy Đông cho biết, hơn 80% đại biểu Quốc hội đã nhấn nút ủng hộ đưa ngành nghề sản xuất lắp ráp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua. Việc này được tính toán dựa trên nhóm lợi ích là người tiêu dùng, doanh nghiệp tham gia và lợi ích quốc gia.
“Đối với người tiêu dùng, chúng tôi đã chỉ ra 4 nhóm lợi ích và chỉ có 1 băn khoăn đó là vấn đề giá cả liệu có bị ảnh hưởng không. Đối với doanh nghiệp có 5 lợi ích cũng chỉ có 1 băn khoăn liệu doanh nghiệp nhỏ có bị thiệt thòi không. Về lợi ích quốc gia chúng tôi cũng đã chỉ ra 8 lợi ích”, Thứ trưởng Đông cho hay, tất cả đều đã được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và đầu tư giải đáp rất kỹ trước đó.
Cuối cùng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định, việc áp điều kiện kinh doanh với ngành nghề này sẽ không dẫn tới hệ quả bảo hộ sâu đối với hoạt động của các “ông lớn” trên thị trường.