Theo Thông tư mới ban hành, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ bao gồm toàn bộ khách hàng vay vốn (trừ trường hợp khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách gặp khó khăn trả nợ với các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Theo đó, các ngân hàng sẽ được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khoản vay trên cơ sở đề nghị của khách hàng và khả năng tài chính của ngân hàng. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại nợ phải đáp ứng một số điều kiện như dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư có hiệu lực (24/4) và phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại nợ chỉ áp dụng với các khoản nợ gốc - lãi phát sinh từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024 và số dư nợ được cơ cấu lại phải còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày theo hợp đồng tín dụng, thỏa thuận.
Để được cơ cấu lại nợ, khách hàng cũng phải được ngân hàng đánh giá không còn khả năng trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi theo hợp đồng thỏa thuận, do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ ban đầu.
Đồng thời, khách hàng cũng phải được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ cả gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại.
Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Quy định trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023. Trước đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng cho vay tiêu dùng; thời hạn cơ cấu lại nợ; cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục được mua trái phiếu doanh nghiệp…Chính phủ cho rằng, những biện pháp trên sẽ là động lực tăng trưởng và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của ngành ngân hàng sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng. Qua đó sẽ góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các mục tiêu đề ra của năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025.