Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2019, tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh đạt 147.030 tấn, tổng doanh thu đạt khoảng 6.365 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải thiều đạt 4.675 tỷ đồng, thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 1.690 tỷ đồng - phá vỡ mốc kỷ lục về giá trị trong hơn 60 năm trở lại đây.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân là do giá vải năm nay cơ bản được giữ ổn định ở mức cao. Theo đó, giá bán vải bình quân cho cả vụ 2019 đạt khoảng 31.800 đồng/kg (cao xấp xỉ hai lần mùa vụ trước và cao nhất từ trước đến nay), giá bình quân cho hoạt động dịch vụ phụ trợ (Đá cây, thùng xốp, vận tải, công lao động, nhà hàng, khách sạn, tiêu dùng, dịch vụ ngân hàng…) đạt khoảng 11.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá phụ kiện như đá cây, thùng xốp được duy trì ổn định, trong đó giá đá cây cả vụ dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg (lúc cao điểm đá cây tăng giá lên tới 50.000 - 80.000 đồng/cây), thùng xốp các loại dao động từ 22.000 - 50.000 đồng/thùng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, không chỉ bán được giá cao mà thương lái còn tranh nhau tới thu mua vải thiều, cao điểm giữa vụ vải có đến 400 thương nhân đến vùng vải thu mua. Ngoài thương lái Trung Quốc “ăn hàng”, vải thiều đặc sản Bắc Giang còn được xuất khẩu theo đường chính nghạch sang một số nước khu vực như: Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapo, Thái Lan, Úc,... với tổng sản lượng xuất khẩu (tính cả thị trường Trung Quốc) chiếm khoảng 54,6%.
Trong khi đó, quả vải tươi cũng được tiêu thụ toàn quốc. Điển hình là ở thị trường các tỉnh phía Bắc, thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thông qua các kênh phân phối là chợ đầu mối và siêu thị. Theo đó, sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước ước đạt 45,4%.
Thành công của niên vụ vải thiều năm 2019 ở tỉnh Bắc Giang phải kể đến nỗ lực và sự chủ động của chính quyền địa phương trong công tác xúc tiến thương mại cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, sự đồng lòng của các địa phương trong hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân. Góp phần vào kết quả này còn phải kể đến sự chủ động của nông dân trong tiếp cận phương thức sản xuất nông sản an toàn và mối liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị vải thiều.