Theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã đã thông tin chi tiết về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) Quý I năm 2019.
Theo đó, số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2018 là 3.504,376 tỷ đồng. Tổng số tiền trích lập Quỹ BOG trong quý I năm 2019 (từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/3/2019) là 1.659,258 tỷ đồng;
Số tiền liên Bộ Công Thương - Tài chính chi sử dụng Quỹ BOG trong quý I/2019 (từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/3/2019) là 5.787,683 tỷ đồng;
Trong đó, tiền lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý I/2019 vào khoảng 3,406 tỷ đồng.
Như vậy, số dư Quỹ BOG tính đến hết quý I/2019 (tính đến hết ngày 31/3/2019) là “-620,643” tỷ đồng.
Hết quý I/2019: Quỹ bình ổn xăng dầu đã "âm" hơn 620 tỷ đồng.
Liên quan đến việc quản lý và điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) gần đây có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Đơn vị này đề nghị Chính phủ bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì quỹ này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi hơn là có lợi. Chính việc cho lập và sử dụng quỹ bình ổn khiến thị trường xăng dầu bị méo mó, mang đậm tính can thiệp hành chính và không bảo đảm cạnh tranh đúng theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.
Chia sẻ trên Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: “Tôi từ lâu rồi đã phản đối sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá. Không có một đất nước nào lại có cái “bình ổn” như vậy. Thị trường không cần bình ổn. Sự “lên xuống” của giá cả là đặc trưng của thị trường. Thị trường xăng dầu thế giới hiện nay rất cạnh tranh trong khi chúng ta chủ yếu là nhập khẩu xăng, dầu”.
TS Cung đặt câu hỏi: “Quỹ bình ổn này, một cách gián tiếp, lại đi bình ổn giá thế giới hay sao? Trong khi đó, ngay cả việc Quỹ này được sử dụng thế nào, mang lại lợi ích cho ai, cho người tiêu dùng hay cho các doanh nghiệp đầu mối vẫn là điều cần xem xét”.
Theo TS Cung: Giá xăng, dầu trên thị trường thế giới nếu theo dõi sát sao sẽ thấy nó lên xuống rất rõ ràng, minh bạch. Nhưng ở Việt Nam, giá xăng dầu chỉ có lên, còn xuống thì lại rất nhỏ giọt. “Có lẽ, cách chúng ta “bình ổn” giá xăng, dầu cũng là một nguyên nhân”, TS Cung nhận định.
Sau kỳ điều hành giá ngày 1/6, diễn biến giá xăng dầu có lợi cho người tiêu dùng khi giá xăng giảm mạnh tại thị trường Singapore. Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ ngày mùng 3 - 10/6 giá xăng 92 tại thị trường Singapore dao động từ mức 63,17 - 66,02 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn kỳ điều hành trước khoảng 6-9 USD.
Tương tự, giá xăng 95 tại thị trường Singapore trong các ngày mùng 3 - 10/6/2019 dao động 64 - 67 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn kỳ điều hành trước khoảng 6-8 USD.
Giá dầu hỏa, dầu diesel cũng giảm so kỳ điều hành trước từ 8 -9 USD/thùng. Riêng dầu mazut giảm khoảng gần 20 USD/tấn.
Dù giá xăng dầu thị trường thế giới giảm mạnh nhưng giá xăng trong nước khó giảm, nguyên nhân được cho do quỹ bình ổn giá xăng đang âm.