Trong gần 2 năm qua, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Với tỷ giá ổn định và lãi suất VND trong khoảng 6 - 7%, việc nắm giữ đồng VND vẫn có lợi.
Lãi suất 0%, tiền gửi vẫn không biến động
Theo thống kê của NHNN Chi nhánh Hà Nội, tính đến 31/7/2017, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 1,83% so với 31/12/2016. Còn theo NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đến hết tháng 7, tiền gửi ngoại tệ đạt 219.600 tỷ đồng quy đổi, giảm 0,63% so với cuối năm 2016 và chiếm 11,6% tổng nguồn vốn huy động. Theo Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, dù thời gian qua, lãi suất huy động USD về 0% nhưng lượng tiền gửi vẫn không biến động nhiều so với trước đây khi lãi suất ở mức 2 - 3% một năm. “Vấn đề không hẳn là lãi suất mà quan trọng là cơ chế chính sách để tăng giá trị VND" - ông Minh nói và cho biết, việc gửi USD của dân một phần còn do nhu cầu của họ muốn nắm giữ hay không.
|
Lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% sẽ tạo điều kiện cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ hiện hành tốt hơn. Ảnh: Phạm Hùng |
Từ trước đến nay quan điểm của NHNN là không khuyến khích việc găm giữ ngoại tệ và tạo kênh để người dân chuyển dịch vốn, còn nếu người dân vẫn muốn giữ USD thì chỉ mong được hưởng chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua, giá trị VND luôn được giữ ổn định với khoảng biến động chỉ 1 - 2%/năm, lạm phát luôn duy trì ở mức thấp. Các dòng vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam cũng duy trì ở mức khá cao. Do đó, rủi ro biến động tỷ giá sẽ không cao.
Giám đốc điều hành một công ty xuất khẩu gỗ tại Bắc Ninh cho biết, từ trước đến nay khoản ngoại tệ thu được từ xuất khẩu công ty đều chuyển sang VND để hưởng lãi suất cao hơn, cũng nhằm thuận tiện thanh toán khi mua nguyên liệu trong nước. Nhiều người cho rằng, trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng USD thì người dân nên đổi USD ra tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất tốt hơn.
Gửi VND lợi gấp hơn 2 lần
Theo các chuyên gia, gửi tiết kiệm bằng VND hiện nay hấp dẫn hơn nhiều so với bằng USD. Ngay cả khi USD được cộng thêm mức tăng từ 2 - 3%/năm so với VND trong năm nay, người gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ cũng chỉ được hưởng mức sinh lời khoảng 3%/năm, trong khi gửi VND lãi suất gấp đôi. Chẳng hạn với món tiền 100.000 USD nếu khách hàng gửi lãi suất 0%, một năm sau tỷ giá tăng 3% từ mức 22.760 đồng hiện nay lên 23.443 đồng. Như vậy, số tiền 100.000 USD ban đầu họ sẽ có lời 68,3 triệu đồng do chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, cũng với 100.000 USD đổi ra tiền đồng (tương đương khoảng 2,276 tỷ đồng) để gửi tiết kiệm với kỳ hạn một năm, lãi suất của các NH dao động 7%/năm, sau một năm sau số tiền lãi sẽ là 191,18 triệu đồng. Như vậy, so với chênh lệch biến động tỷ giá, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND vẫn cao hơn rất nhiều.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với những người tích trữ, phòng thủ ở ngoại tệ, có trả thêm 0,25 - 0,5% lãi suất mỗi năm, với họ không nhiều ý nghĩa nếu so với gửi VND. “Trước kia DN, người dân giữ USD vì nhiều lý do. Các công ty xuất nhập khẩu giữ USD để cần cân đối thu chi, người dân giữ USD vì kỳ vọng tỷ giá tăng hoặc chờ cơ hội. Trong khoảng thời gian chờ đợi, họ vẫn có thể có lời nhờ lãi suất cao. Việc để lãi suất 0% sẽ không khuyến khích tổ chức kinh tế và người dân làm chuyện đó” - ông Hiếu nói.
Với tỷ giá ổn định và lãi suất VND 6 - 7%, việc nắm giữ VND vẫn có lợi không chỉ với người Việt Nam mà cả với người nước ngoài hay Việt kiều chuyển kiều hối. NHNN tiếp tục duy trì chính sách lãi suất USD bằng 0%, đồng thời có sản phẩm đặc biệt hướng đến các đối tượng đang lưỡng lự giữa giữ hay mang tiền vào Việt
Đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Trong gần 2 năm qua, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, đồng thời NHNN còn mua vào được lượng lớn ngoại tệ giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức cao kỷ lục hơn 42 tỷ USD. Báo cáo của NHNN cho biết, trong tháng 7, nguồn cung ngoại tệ của các NHTM được đảm bảo, đáp ứng các nhu cầu thanh toán ngoại tệ hợp pháp của các cá nhân và tổ chức, tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, thanh khoản thị trường tốt. Tỷ giá giao dịch tại các NHTM tương đối ổn định. |