Thị trường méo mó
Đến phiên giao dịch ngày 24/3, giá vàng miếng SJC trong nước đang giao dịch quanh vùng giá 67,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 68,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Trong tuần này, giá vàng SJC chỉ tăng giảm trong biên độ nhẹ, cao nhất vào khoảng ±300.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, vào những ngày đầu tháng 3, giá vàng SJC liên tục “lên đồng” với tốc độ chóng mặt, phá kỷ lục 74 triệu đồng/lượng với những phiên biến động tới 3 triệu đồng/lượng, tăng rất nhanh nhưng giảm cũng rất nhanh, khiến người mua hôm trước đến hôm sau có thể lỗ tới 5 - 6 triệu đồng/lượng.
Tác động từ nguồn cung hay bắt tay “làm giá”?
Nhưng điểm bất hợp lý nhất của thị trường vàng là những chênh lệch giá. Hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khi quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ và chưa tính thuế, phí là khoảng 15 triệu đồng/lượng, nhưng cũng có lúc “phi vọt” lên mức chênh lệch kỷ lục gần 20 triệu đồng/lượng. Trong không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới.
Mặt khác, các DN kinh doanh vàng cũng đã nới rộng chênh lệch giá mua và giá bán vàng SJC lên mức rất cao từ 1 - 2 triệu đồng/lượng. Vàng SJC cũng đang cao hơn giá vàng thương hiệu riêng của các cơ sở kinh doanh vàng khoảng 12 triệu đồng/lượng. Đây là những sự lệch pha được giới chuyên gia đánh giá là đi ngược thị trường thế giới, giá vàng SJC vẫn “một mình một chợ” làm méo mó thị trường.
Hiện thị trường vàng trong nước đang bao gồm 2 sản phẩm chính là vàng SJC độc quyền thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và vàng vật chất dưới dạng vàng trang sức, vàng đóng vỉ của các DN. Giá vàng miếng SJC dù mang thương hiệu của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn nhưng Công ty này không quyết định được giá cả mà do nhu cầu thị trường quyết định.
Thị trường vàng trong nước đang được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24). Nghị định này quy định vàng miếng do nhà nước độc quyền sản xuất, NHNN là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. NHNN chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Ngoài ra, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho DN.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Nghị định 24 đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế, nên dù giá vàng trong nước biến động mạnh như thời gian qua thì người dân cũng không còn nhốn nháo đi giao dịch vàng như trước. Nhưng những quy định về độc quyền sản xuất vàng miếng đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đẩy chênh lệch giá quá lớn khiến rủi ro đổ hết lên đầu người dân mua vàng.
“Diễn biến giá vàng như hiện này thì chỉ các DN tư nhân kinh doanh vàng làm ăn thắng lợi. Đây có thể do một số DN bắt tay nâng giá để hưởng lợi, nhưng còn do cung không đủ cầu nên càng dẫn đến những chênh lệch lớn về giá”, vị chuyên gia này khẳng định.
Đồng quan điểm, đại diện một DN kinh doanh vàng tại Hà Nội cho hay, giá vàng trên thế giới tăng mạnh do chịu tác động từ thị trường tài chính và những căng thẳng chính trị, quân sự giữa Nga - Ukraine. Thị trường vàng trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá vàng thế giới còn chịu tác động từ nguồn cung và cả sự “bắt tay” làm giá của các DN kinh doanh vàng.
Mua bán vàng tại cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bất cập từ cơ chế quản lý
Có thể thấy, mọi vấn đề nêu trên đều bắt nguồn từ cơ chế quản lý thị trường của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ. Theo Nghị định 24, từ năm 2012 đến nay, NHNN quản lý nguồn vàng nhập khẩu nên chỉ nhập khẩu khi cần thiết. Trong khi đó, nhu cầu với vàng của người dân trong nước vẫn tăng trưởng khá đều đặn. Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC), tổng nhu cầu vàng cả năm 2021 ở Việt Nam tăng trưởng khoảng 8%, nhu cầu vàng trang sức tăng 11%. Nguồn cầu lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp thì giá cả tăng cao là chuyện đương nhiên.
“Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu với NHNN là phải thay đổi cách điều hành để bình ổn thị trường. NHNN nên dần dần thả cho thị trường tự vận hành dưới sự quản lý cơ bản của nhà nước” - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam nhiều năm nay cũng đã gửi kiến nghị về việc sửa đổi, thậm chí là thay thế Nghị định 24 theo hướng NHNN không sản xuất vàng miếng, không nên sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền, mà nên cấp phép cho một số DN đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng và chịu trách nhiệm với thương hiệu của mình theo khối lượng, tiêu chuẩn về chất lượng và trọng lượng đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Bởi theo các chuyên gia, thị trường vàng hiện nay đã ổn định, nhiều quy định về đầu tư kinh doanh đã phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế nên việc quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 đã không còn phù hợp.
Ngoài ra, các chuyên gia đã nói nhiều đến vấn đề cho phép thành lập sở giao dịch vàng quốc gia hay sàn vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, chính NHNN đã cho rằng, việc thành lập sàn vàng hay sở giao dịch vàng có tính chất phức tạp và rủi ro, ảnh hưởng tới quản lý ngoại tệ cũng như vấn đề “vàng hóa” nền kinh tế… Do đó, việc “cởi trói” cho hoạt động kinh doanh vàng vẫn sẽ là vấn đề cần nhiều thời gian để giải quyết, nên giá vàng SJC không biết chừng sẽ tiếp tục đi “tàu lượn siêu tốc” khi những biến động kinh tế thế giới còn ngổn ngang.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, ở các quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc hay Singapore, giá vàng trong nước chỉ chênh với giá vàng thế giới một vài USD/ounce, tương đương vài chục nghìn đồng Việt Nam mỗi lượng. Ngoài ra, tính cả năm 2021, giá vàng thế giới giảm trên 8%, nhưng giá vàng trong nước tăng khoảng 6 triệu đồng/lượng. Năm 2020, giá vàng thế giới tăng 24%, giá vàng trong nước tăng 31%. “Thị trường vàng trong nước đang bị các nhà vàng làm giá, chênh lệch giá mua - giá bán và chênh lệch giữa giá trong nước với giá thế giới quá rộng. Diễn biến giá vàng đang hoàn toàn phụ thuộc vào người bán nên thị trường vàng Việt Nam rất khó lường, không theo giá thế giới, do đó không phù hợp để đầu tư, lướt sóng. Vì thế, cơ quan chức năng cần có cơ chế chính sách bảo đảm các bên tham gia thị trường được hoạt động công khai, minh bạch, để giá cả trên thị trường không bị thao túng, không bị lũng đoạn." - Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu |