Giá vàng thế giới ngày 24/3, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.945 USD/ounce - tăng 25 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng ngày 24/3/2022: Vàng bất ngờ tăng vọt. Ảnh: Reuters
Giá vàng hôm nay đảo chiều tăng vọt khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn trước lạm phát tăng vọt và cuộc khủng hoảng Ukraine có thể gây ra nhiều hệ lụy, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết: “Thị trường vàng dường như đang giữ khá tốt kể từ mức điều chỉnh giảm, với hỗ trợ đến từ sự bất ổn địa chính trị và nhu cầu nơi trú ẩn an toàn đối với vàng vật chất”.
Trong tuần này, SPDR Gold Trust - quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, đã có lượng dự trữ đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.
Nhà phân tích Peter Fertig của Quantitative Commodity Research cho biết, vàng đang nhận được sự hỗ trợ từ các thị trường, với việc thị trường trái phiếu chính phủ ở châu Âu đang phục hồi.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ đạt mức cao nhất trong gần ba năm, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không có lãi suất.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết trong một lưu ý: "Theo xu hướng của đợt tăng mạnh lợi suất gần đây nhất, vàng vẫn đang giữ giá khá tốt. Có thể, xu hướng giảm giá của vàng đang bị ngăn cản bởi nhu cầu mua vào liên tục của các nhà đầu tư".
Trước đó, ông Michael McCarthy, Trưởng bộ phận chiến lược tại công ty môi giới Tiger Brokers, Australia, cho biết: "Vàng nhận được sự hỗ trợ nhờ tâm lý mong muốn có được nơi trú ẩn tài sản an toàn khi đối mặt với xung đột địa chính trị ở Ukraine".
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh St. Louis James Bullard đã kêu gọi Fed tăng lãi suất chuẩn lên 3% trong năm nay và có những động thái tích cực để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên trên 2,3% lần đầu tiên kể từ tháng 5/2019. Lãi suất và lợi suất trái phiếu cao hơn thường làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Ukraine và biến thể mới BA.2, hiện chiếm một nửa số ca mắc mới Covid-19 trên hầu hết nước Mỹ, đã hỗ trợ giá vàng.
Liên quan đến thị trường vàng, theo thông tin trên trang Axios, ngày 23/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ gặp các thượng nghị sĩ trong tuần này để thảo luận về dự luật đóng băng số vàng dự trữ của Nga.
Phương Tây đã đóng băng nguồn dự trữ ngoại hối của Nga nhưng nguồn vàng được cho có thể là phao cứu sinh của Moscow.
Nga bắt đầu gia tăng dự trữ vàng từ năm 2014 nhưng khi giá vàng lên cao vào đầu đại dịch Covid-19, Nga ngừng tích trữ kim loại quý này.
Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh bị áp các lệnh trừng phạt, đồng Ruble mất giá, ngân hàng trung ương Nga đã mua vàng trở lại.
Trên thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,700 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,600 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 67,960 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,700 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 68,100 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,820 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,950 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,700 triệu đồng/lượng (bán ra).