Giá ô tô ở Việt Nam đắt gần nhất thế giới
Năm 2015, chuyên trang Top10n đã thực hiện khảo sát và đưa ra bảng xếp hạng 10 quốc gia có giá bán ô tô đắt nhất trên thế giới. Mặc dù không có tên trong danh sách này nhưng nếu đối chiếu ngang hàng Việt Nam ít nhất phải ở vị trí thứ 5, chỉ xếp sau Singapore hay Malaysia, các quốc gia nổi tiếng về giá xe đắt đỏ.
Cụ thể, tại Trung Quốc quốc gia xếp thứ 5 trong danh sách trên, để sở hữu một chiếc Audi A6, người mua phải trả tổng cộng số tiền vào tối thiểu khoảng 62.000 USD, hơn 1,36 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Còn tại Việt Nam, để mang một chiếc xe tương tự ra khỏi điểm bán, người mua phải bỏ ra từ hơn 2,1 tỷ đồng, đó là chưa kể hàng loạt các khoản phí khác như phí trước bạ, phí đăng ký xe mới... để chiếc Audi A6 có thể lăn bánh trên đường.
Giá thực tế của một chiếc ô tô bị đội lên khá nhiều khi tới tay người mua |
Nguyên nhân cho hiện trạng này bắt nguồn từ việc một chiếc ô tô đang phải gánh tới hơn 10 loại thuế và phí khác nhau, trong khi đó con số này ở Mỹ chỉ dừng lại ở 6. Đáng chú ý, 6 mức thuế dành cho ô tô tại Mỹ đa phần đều thấp hơn hạng mục tương tự tại Việt Nam. Cụ thể, nếu thuế VAT ở Việt Nam dành cho một chiếc xe ở Việt Nam được tính 10% giá trị thì ở Mỹ chỉ là 8,48%; Phí trước bạ ở Việt Nam vào khoảng 10 - 15% giá trị xe thì ở Mỹ chỉ là 50 USD; Cấp biển số mới ở Việt Nam vào khoảng từ 2 triệu - 20 triệu đồng thì mức này ở Mỹ chỉ là 25 USD... Chính vì vậy, nếu muốn mua một chiếc Honda CR-V tại Mỹ, người mua phải bỏ ra khoảng 3.800 USD, còn ở Việt Nam con số này đội lên tới hơn 9.000 USD.
Nếu xét tại các quốc gia cùng khu vực như Thái Lan hay Indonesia, mức giá để sở hữu một chiếc ô tô cũng chênh lệch khá lớn từ 20% tới 125% so với Việt Nam. Ví dụ, một chiếc Toyota Yaris có giá tầm hơn 29.000 USD ở Việt Nam thì ở Thái Lan chỉ xấp xỉ 13.000 USD và khoảng 16.000 USD ở Indonesia. Còn đối với mẫu xe rất phổ biến ở trong nước là Toyota Innova có giá 33.000 USD thì để mua được chiếc ô tô này, người Thái chỉ phải bỏ ra khoảng 24.000 USD và với người Indonesia là 20.300 USD. Không những thế, các khoản phí đi kèm để sở hữu một chiếc ô tô tại Thái Lan và Indonesia cũng thấp hơn đáng kể so với ở Việt Nam.
Cần lưu ý, nếu như cả Thái Lan và Indonesia đều có mức thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 5.000 USD thì con số này ở Việt Nam mới chỉ ở mức 2.000 USD. Nhưng nghịch lý là số tiền người Việt phải bỏ ra để sở hữu một chiếc ô tô lại cao gần gấp 2 lần so với tại các quốc gia trên.
Việt Nam cần bình dân hóa ô tô
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá ô tô ở Việt Nam ở mức cao thuộc top đầu thế giới bắt nguồn từ các chính sách liên quan tới giao thông cũng như nhằm hỗ trợ cho ngành sản xuất xe trong nước. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm giá xe liên tục nằm ở ngưỡng ngất ngưởng thì tình hình giao thông cũng như ngành công nghiệp ô tô trong nước vẫn giậm chân tại chỗ hoặc thậm chí có thể nói rằng đang trong tình trạng thụt lùi.
Cụ thể, đã nhiều năm trở lại đây, hạ tầng giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn không theo kịp được độ tăng trưởng về số lượng của xe máy cũng như ô tô. Qua đó, khiến tình trạng ùn tắc luôn là cơn ác mộng đối với người tham gia giao thông cũng như là vấn đề không thể giải quyết trong một thời gian ngắn đối với các cơ quan quản lý. Có lẽ, là rất viển vông nếu hy vọng việc giải quyết được bài toán giao thông sẽ khiến giá ô tô trong nước hạ xuống.
Còn đối với ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, mặc dù đã có nhiều chiến lược phát triển dài hạn cùng vô số chính sách hỗ trợ được ra đời nhưng vẫn gần như đứng yên tại chỗ, tương tự với thời điểm hơn 20 năm trước khi Chính phụ định hướng phải phát triển ngành này thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tới hiện tại, đa số các DN Việt Nam hoạt động trong ngành mới chỉ tham gia vào khâu lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe sản xuất trong nước chưa nổi tới 20%. Thậm chí như đã thành tuyên ngôn của toàn ngành, chỉ những DN đi theo hướng nhập khẩu xe về bán mới có thể tồn tại, còn nếu chơi tất tay vào sản xuất ô tô trong nước chắc chắn sẽ thất bại, trường hợp của Thaco Trường Hải và Vinaxuki là các ví dụ tiêu biểu.
Tuy nhiên, cùng những bài toán cơ bản như trên với Việt Nam, cả Thái Lan và Indonesia đều có cách giải quyết khác hẳn và hiệu quả đã thấy rõ tại thời điểm này. Nhiều năm về trước, cả 2 quốc gia trên đều đặt mục tiêu phát triển dòng xe cỡ nhỏ với giá rẻ nhằm hướng tới mọi người dân đều có thể sở hữu ô tô cũng như tạo cơ sở vững chắc để phát triển ngành công nghiệp này. Thông qua sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách, từ đó có kinh phí để đầu tư lại hạ tầng giao thông.
Mặc dù vậy, với việc thuế tiêu thụ đặc biệt cho những dòng xe cỡ nhỏ có dung tích từ 1.5L trở xuống được giảm 5% từ 1/7/2016 và đặc biệt theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN từ năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ được xóa bỏ, người Việt có thể trông đợi về việc giá ô tô sẽ được điều chỉnh hạ dần trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức giảm này được dự đoán là không quá nhiều để giúp Việt Nam thoát khỏi danh sách những quốc gia có giá bán ô tô đắt nhất thế giới.