Giá vàng thế giới hôm nay 11/8/2022, tính đến 14 giờ 30 phút (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.787 USD/ounce, giảm 4 USD/ounce so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng thế giới chiều 11/8 tiếp tục giảm. Ảnh: Barrons
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm khi tâm lý rủi ro của nhà đầu tư được thúc đẩy bởi dữ liệu lạm phát hạ nhiệt của Mỹ.
Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, giá vàng cũng được hỗ trợ bởi đồng USD mất giá mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là căng thẳng Mỹ-Trung Quốc.
Thời gian gần đây, nhu cầu của người dân đối với kim loại quý, đặc biệt là vàng miếng, đã tăng mạnh ở Nga.
Theo kết quả khảo sát của báo Kommersant về nhu cầu của người dân Nga đối với vàng miếng kể từ khi chính phủ bãi bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với việc bán kim loại quý, trong 5 tháng, khách hàng của Sberbank đã mua tổng cộng 10,9 tấn vàng miếng.
Giữa tháng 4, Ngân hàng ngoại thương Nga (VTB) thông báo đã bán 2 tấn vàng miếng cho khách hàng, nhưng ngân hàng này từ chối tiết lộ thêm số liệu gần đây.
Ngân hàng PSB cho biết, đã bán 1 tấn vàng miếng cho các khách hàng tư nhân trong 4 tháng gần đây, trong khi các ngân hàng lớn khác (RSHB, MKB, Sovcombank) cũng ghi nhận nhu cầu vàng cao, nhưng không công bố các chỉ số thống kê cụ thể.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng, đầu tư vào vàng sẽ là một giải pháp thay thế lý tưởng cho việc mua đồng USD trong bối cảnh tình hình địa chính trị không ổn định.
Nhu cầu mua vàng miếng tại Nga đã tăng ngay sau khi chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế. Ttrước đây, khi mua vàng miếng ở ngân hàng, khách hàng phải trả 20% thuế VAT. Ngoài ra, thuế thu nhập từ bán vàng miếng (với thuế suất 13%) cũng được bãi bỏ kể từ tháng Sáu vừa qua.
Chuyên gia Sergey Uskov, đồng sáng lập công ty tư vấn tài chính Aravana MFO xác nhận, sau khi các nhà chức trách hủy bỏ thuế VAT đối với việc mua bán vàng của người dân, nhu cầu đối với kim loại quý này thực sự tăng lên.
Chuyên gia trích dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Nga (BoR) cho thấy, một khoản tiền mặt tương đương 1.000 tỷ Ruble (16 tỷ USD) đã được rút từ các khoản tiền gửi bằng đồng Ruble tại các ngân hàng trong nước.
Phần lớn dòng tiền này được đầu tư vào vàng. Ngoài ra, nếu nhìn vào cơ cấu nhu cầu đối với kim loại quý, có thể thấy rằng người dân quan tâm đến thỏi vàng tiêu chuẩn 1 kg và thỏi lớn 12,5 kg.
Trên thị trường trong nước, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 66.100 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,120 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,000 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,000 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 66,120 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,090 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,100 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,100 triệu đồng/lượng (bán ra).