Giá vàng thế giới ngày 2/8, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.952 USD/ounce - giảm 13 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng ngày 2/8/2023: Quay đầu giảm mạnh. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh thiếu các thông tin thúc đẩy thị trường, sự phục hồi của đồng USD đã tạo áp lực lên vàng. Rạng sáng nay, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động đồng bạc xanh đã tăng chạm mốc 102 điểm.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng sẽ tiếp tục trầm lắng trước khi dữ liệu về thị trường lao động được công bố vào thứ 6 tuần này. Các nhà kinh tế dự báo, con số bảng lương phi nông nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 200.000 việc làm, so với mức tăng 209.000 trong báo cáo tháng 6.
Thời gian qua, kim loại quý chịu tác động mạnh mẽ bởi lập trường chính sách tiền tệ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các dữ liệu kinh tế khả quan. Trong khi Fed tin rằng lạm phát sẽ khó quay trở lại mục tiêu trước năm 2025 và lãi suất phải được giữ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, Nitesh Shah, Trưởng phòng nghiên cứu hàng hóa và kinh tế vĩ mô của WisdomTree, lập luận rằng lạm phát đã được kiểm soát và nguy cơ suy thoái vẫn đang gia tăng.
Theo Shah, nếu những lo ngại về suy thoái kinh tế trở thành hiện thực, giá vàng tương lai sẽ tăng. Trong kịch bản này, vàng có thể đạt 2.490 USD/oounce. Mức đó sẽ cao hơn 22% so với mức cao danh nghĩa mọi thời đại (đạt được vào tháng 8/2020) và gần bằng mức đó trong điều kiện thực tế. Tuy nhiên, nó sẽ thấp hơn 28% so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được vào năm 1980.
Nhìn lại hoạt động của vàng trong quý II, trong báo cáo mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, những bất ổn kinh tế dai dẳng đã tạo ra nhu cầu vật chất mạnh mẽ đối với vàng, đẩy vàng lên mức kỷ lục trong quý II. Theo WGC, giá vàng đạt mức giá trung bình kỷ lục là 1.976 USD/ounce, tăng 6% so với quý II năm 2022 và tăng 4% so với mức cao kỷ lục trước đó được báo cáo vào quý III năm 2020.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Juan Carlos Artigas, người đứng đầu nghiên cứu tại WGC, cho biết, cuộc khủng hoảng ngân hàng trong tháng 5 với sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực ở Mỹ đã thúc đẩy nhu cầu vật chất đối với vàng thỏi và tiền xu ở Bắc Mỹ. Ông nói thêm rằng sự không chắc chắn chung trên toàn cầu đang hỗ trợ doanh số bán đồ trang sức tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc.
Báo cáo của WGC cho thấy, nhu cầu vàng từ Trung Quốc gia tăng đang đóng một vai trò quan trọng trong thị trường vàng toàn cầu. Nhu cầu vàng thỏi và tiền xu ở Trung Quốc đạt tổng cộng 49,3 tấn, tăng 32% so với năm ngoái. Nhu cầu toàn cầu tăng 6% lên 277,5 tấn.
Mặc dù các nhà đầu tư phần lớn đã bỏ qua vàng trong năm 2023, Artigas cho biết, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy tâm lý đang bắt đầu thay đổi. Ông nói thêm rằng, thị trường vàng vẫn ở chế độ chờ xem vì Fed đang để ngỏ các lựa chọn liên quan đến chính sách tiền tệ của mình.
Theo báo cáo của WGC, việc mua vàng của ngân hàng trung ương đang chậm lại. Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 6, các ngân hàng trung ương đã mua 102,9 tấn vàng, giảm 39% so với nhu cầu chưa từng có được báo cáo trong quý II năm 2022. Tuy nhiên, do nhu cầu kỷ lục trong quý đầu tiên, WGC cho biết, nhu cầu trong nửa đầu năm vẫn là mạnh nhất kể từ năm 2000.
Trên thị trường trong nước, giá kim loại quý được niêm yết cụ thể như sau: Tập đoàn Vàng Bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,600 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,300 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 66,770 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,280 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 66,750 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,370 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,450 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,050 triệu đồng/lượng (bán ra).