Giá vàng thế giới ngày 24/8, tính đến đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.804 USD/ounce - tăng 27 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng ngày 24/8/2021: Vàng quay đầu tăng vọt. Nguồn ảnh: Kitco
Tuần trước, Nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures Daniel Pavilonis nhận định, mặc dù vàng đã nhanh chóng ổn định trên 1.700 USD/ounce sau một đợt sụp đổ nhanh chóng vào tuần trước, nhưng kim loại quý chưa đủ hỗ trợ để có thể đưa giá lên mức cao hơn.
Nhà môi giới Pavilonis nói: “Vàng đang nằm ngay trên đường xu hướng giảm và có thể tiếp tục giảm giá. Không chỉ vàng, bạc cũng đang ở mức thấp và tôi nghĩ vàng sẽ bắt đầu theo sau bạc. Đợt giảm tiếp theo, vàng có thể sẽ 'dừng chân' ở mức 1.670 USD".
Không chỉ ông Pavilonis, nhiều chuyên gia khác cũng hoài nghi về đà tăng của giá vàng trong tuần này. Tuy nhiên, giá vàng chính thức chinh phục ngưỡng kháng cự quan trong 1.800 USD/ounce.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Bank of Montreal (BMO) có trụ sở tại Canada, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những rủi ro mới xuất phát sự gia tăng của biến thể Covid-19 mang tên Delta.
Tháng trước, ngân hàng Canada cho biết, giá vàng trung bình trong năm nay vào khoảng 1.815 USD/ounce.
Tâm lý tăng giá mới của ngân hàng xuất hiện sau khi gần đây, ngân hàng đã hạ ước tính tăng trưởng đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu trong năm.
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, nhà kinh tế trưởng của BMO Douglas Porter cho biết, ngân hàng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống chỉ dưới 6% và nền kinh tế Mỹ sẽ mở rộng thêm 6% trong năm nay, giảm so với ước tính trước đó là 6,7%.
Ông Porter cho hay, đợt thứ tư của đại dịch Covid-19 có thể mang nghĩa là tốc độ tăng trưởng đã đạt đến đỉnh điểm.
Nhà kinh tế này nhấn mạnh: "Hiện khá rõ ràng rằng, nhiều khu vực đang phải đối phó với một làn sóng virus tiếp theo đang bùng phát. Điểm mấu chốt là rủi ro đã chuyển từ tăng sang giảm, với các bản sửa đổi tiếp theo nhiều khả năng sẽ đi xuống".
Ông Porter cũng lưu ý, không chỉ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại mà lạm phát gia tăng có thể còn kéo dài hơn nhiều nhà kinh tế và ngân hàng trung ương đang mong đợi.
Nhà kinh tế Porter bình luận: "Đơn giản, làn sóng kích thích tài khóa nhiều hơn dự kiến đã được chuyển sang tăng giá hơn là tăng sản lượng. Các trường hợp Covid-19 gia tăng cũng có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung tiếp tục gây thêm áp lực giá tăng. BMO hiện đang dự báo lạm phát tăng 4,1% cho năm 2021.
Mặc dù biến thể Delta là một rủi ro đối với tăng trưởng và ít nhất sẽ kéo dài đà phục hồi, nhưng nó cũng gây ra rủi ro ngược lại đối với lạm phát".
Thị trường kim loại quý đang chờ đợi hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào cuối tuần này.
Giám đốc kinh tế quốc tế James Knightley của ING cho biết: "Cuộc thảo luận tiêu đề sẽ là 'Chính sách kinh tế vĩ mô trong một nền kinh tế không đồng đều nhưng trọng tâm chính của các thị trường sẽ là các cuộc thảo luận xung quanh những gì có vẻ như sắp cắt giảm chương trình mua tài sản của Fed".
Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào nhận xét của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, sẽ được đưa ra vào ngày 27/8. Sắp tới, Fed có khả năng không muốn thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh, đặc biệt là với rủi ro biến thể của virus dịch Covid-19 đang gia tăng.
Trên thị trường trong nước, Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,250 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,850 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 56,900 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,520 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 56,400 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,120 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,450 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,450 triệu đồng/lượng (bán ra).