SJC đảo chiều tăng mạnh
Giá vàng miếng trong nước đảo chiều tăng mạnh. Kết thúc ngày 13/5, vàng các thương hiệu đang mua vào 118,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 120,5 triệu đồng/lượng. Vàng Phú Quý SJC đang mua vào thấp hơn 1 triệu đồng so với các thương hiệu khác.
Tương tự, vàng nhẫn các thương hiệu cũng được điều chỉnh tăng mạnh cả giá mua và bán. Cụ thể, giá vàng nhẫn SJC 9999 tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều, lên 113 triệu đồng/lượng mua vào và 115,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 113 triệu đồng/lượng mua vào và 115,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng cả giá mua và bán.
Giá vàng nhẫn thương hiệu Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 116 triệu đồng/lượng mua vào và 119 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1 triệu đồng ở cả 2 chiều.
Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn ở mức 114 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 117 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng cả giá mua vào và bán ra so với rạng sáng qua.
Giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 113 triệu đồng/lượng mua vào và 115,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5 giờ hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 3,242.7 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 0,16% so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD trên thị trường tự do (26.469 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 103,4 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 17 triệu đồng/lượng.
“Chúng ta đã chứng kiến một đợt điều chỉnh mạnh của vàng trong phiên đầu tuần, sau khi có tin tức về thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên mức thuế 30% vẫn còn áp dụng với hàng hóa Trung Quốc, đó vẫn là một yếu tố tiêu cực đối với nền kinh tế", ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết.
Trước đó vào thứ Hai, Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tạm dừng áp thuế trong vòng 90 ngày. Sau các cuộc đàm phán cuối tuần tại Geneva, phía Mỹ cho biết sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc cũng cam kết hạ mức thuế với hàng Mỹ từ 125% xuống còn 10%.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Kim loại quý đã liên tục lập các mức kỷ lục mới trong năm 2025, do lo ngại suy thoái kinh tế xuất phát từ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump, kết hợp với lực mua vào mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị gia tăng và dòng tiền đổ vào các quỹ ETF có tài sản đảm bảo bằng vàng.
Ở một diễn biến khác, Cục Thống kê Lao động Mỹ ngày thứ Ba cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng trước tăng 0,2%, thấp hơn mức dự báo 0,3% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters.
“Báo cáo này có phần tích cực đối với thị trường kim loại quý, bởi đây không phải là một báo cáo gây lo ngại về lạm phát, vốn có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tạm dừng cắt giảm lãi suất", chuyên gia phân tích cao cấp Jim Wyckoff của Kitco Metals viết trong một ghi chú.
Hiện tại, các thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed sẽ nối lại chính sách nới lỏng tiền tệ vào tháng 9. Lãi suất thấp hơn thường khiến vàng, một tài sản không sinh lời trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Giá bạc giao ngay tăng nhẹ 0,1% lên 32,62 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng mạnh 1,4% lên 989,95 USD và palađi nhích 0,2% lên 947,24 USD/ounce.