Theo ghi nhận trên thị trường giá nông sản trong nước, giá tiêu hôm nay 26/11/2019 đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai giá tiêu hôm nay đang được thu mua với mức 40.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giá hồ tiêu đang ở mức 42.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay dao động ở mức 41.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đang ở mức 40.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay được thu mua trong khoảng từ 40.000 - 42.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 26/11: Đi ngang, dao động từ 40.000 - 42.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Vang, cho rằng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đứng đầu thế giới nhưng giá trị mang lại chưa cao, chủ yếu do chất lượng không đồng đều, khâu chế biến sau thu hoạch còn yếu. Ngoài ra, hầu hết đều xuất khẩu dưới dạng hàng thô, hàng xá. "Trước đây, giá tiêu hơn 200.000 đồng/kg, nông dân đua nhau mở rộng diện tích trồng tiêu nhưng ít chú ý đến chất lượng. Kể cả những vùng thổ nhưỡng không phù hợp cũng trồng tiêu. Sau đó ngành tiêu "vỡ trận" vì giá rơi thẳng đứng, hiện chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg. Phần lớn người trồng tiêu bị phá sản, bán nhà cửa để trả nợ ngân hàng, bỏ trốn đi nơi khác" - ông Công nêu thực trạng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), ngành hồ tiêu Việt Nam từng phát triển rất mạnh nhưng Brazil, Indonesia, Campuchia... đang dần chiếm tỉ trọng lớn và cạnh tranh trực tiếp. Trong đó, Brazil chiếm thị phần gần bằng Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp hồ tiêu Việt Nam, lại đang chiếm ưu thế ở thị trường châu Âu (EU).
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhận định nguồn cung hồ tiêu trên thế giới đang vượt cầu, hàng tồn khó lớn nên giá tiêu rất khó phục hồi. Việt Nam đã có thương hiệu tiêu Chư Sê có giá xuất khẩu tốt nhưng sản lượng chưa đủ lớn để mang lại giá trị cao. Để thế giới biết thương hiệu tiêu Việt Nam cần phải có thời gian cũng như phải đáp ứng cho được quy trình sản xuất bền vững. Doanh nghiệp xuất khẩu cần phải liên kết với nông dân và có biện pháp quản lý chặt chẽ về chất lượng. Nếu không thực hiện chuỗi bền vững này thì thời gian tới cũng chỉ xuất khẩu hàng thô.
Ngoài ra, để có thể gia tăng giá trị tiêu Việt Nam phải có nhiều sản phẩm đa dạng như tinh dầu, sản phẩm hữu cơ. Điều này phụ thuộc rất lớn vào đầu ra của sản phẩm, tạo ra cho các sản phẩm tinh dầu một thị trường tiêu thụ như sản phẩm của một số nước đã làm. Đặc biệt, phải biết điều tiết thị trường chứ không thả nổi. Ngoài việc gia tăng giá trị, tăng sản lượng và giảm chi phí trồng, sản xuất là điều rất quan trọng để đưa sản phẩm tiêu lên mức cao, người dân và doanh nghiệp đều có lợi.