Theo ghi nhận trên thị trường giá nông sản trong nước, giá tiêu hôm nay 15/1/2020 giảm nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua.
Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước giá tiêu hôm nay đồng loạt giảm 500 đồng/kg xuống lần lượt là 41.500 đồng/kg và 40.500 đồng/kg.
Các địa phương còn lại giá tiêu không thay đổi. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay đang được thu mua với mức 40.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 39.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay được thu mua trong khoảng từ 39.000 - 41.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 15/1: Giảm 500 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, từ 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Cụ thể, năm 2001 với lượng xuất khẩu đạt 56.509 tấn, chiếm 28,3% thị phần. Đến 2010, con số xuất khẩu đạt 116.861 tấn và tỷ lệ này tăng lên 43,4%. Năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 284.000 tấn và chiếm gần 70% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới.
Tuy nhiên, số liệu từ Bộ NN-PTNT cho thấy, sau khi đạt kim ngạch kỷ lục vào năm 2016 với 1,42 tỷ USD, giá trị xuất khẩu hồ tiêu bắt đầu có chiều hướng đi xuống. Cụ thể, năm 2017 xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 1,11 tỷ USD; năm 2018, giảm còn 758,8 triệu USD.
Kết thúc năm 2019, mặc dù sản lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng 23,4% song giá trị chỉ đạt 715 triệu USD, giảm 5,7% so với năm 2018.
Dù khối lượng xuất khẩu vẫn tăng đều đặn, 2019 là năm thứ hai liên tiếp mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trượt khỏi mốc tỷ USD. Đáng chú ý, giá xuất khẩu hồ tiêu của nước ta bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm tới 23,6% so với năm 2018.
Tính đến nay, dù giữ ngôi bá chủ, xuất khẩu đi 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng mặt hàng hồ tiêu đang phải chịu cảnh hàng bán ngày càng nhiều còn tiền thu về ngày một ít dần đi.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu, lý giải, tiêu rớt giá chủ yếu là do mất cân đối cung - cầu.
Còn nhớ năm 2013-2014 giá hồ tiêu đạt đỉnh điểm, khoảng 230.000 đồng/kg, nông dân các địa phương ồ ạt mở rộng diện tích tiêu. Tiêu khi ấy được xem là mặt hàng “vàng đen” của người nông dân. Thế nên, loại cây này được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao.
Diện tích tiêu của Việt Nam vì thế tăng chóng mặt. Nếu 2001, cả nước mới có 35,3 nghìn ha; năm 2010 tăng lên 51,5 nghìn ha thì đến năm 2017 đã cao gấp ba lần, lên gần 152 nghìn ha. Từ năm 2018, diện tích hồ tiêu có dấu hiệu giảm dần song vẫn còn khoảng 140 nghìn ha.
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, ở Việt Nam, chất lượng một phần hạt tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với một số quốc gia khác. Do đó, 2 năm trở lại đây, Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil khi 80% lượng bán ra đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trong khi tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô.