Giá nông sản ngày 5/5: Cà phê tiếp tục tăng
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 41.600 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 41.500 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 42.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 42.100 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 42.100 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 42.000 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 42.100 đồng/kg, 42.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 42.200 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 41.500 - 42.200 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 5/2022 được ghi nhận tại mức 2.129 USD/tấn sau khi tăng 1,04% (tương đương 22 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 5/2022 tại New York đạt mức 221,20 US cent/pound, tăng 1,37% (tương đương 3 US cent).
Giá nông sản ngày 5/5: Cà phê tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Hưng Liên
Giá nông sản ngày 5/5: Tiêu cao nhất 80.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 78.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 80.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 79.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 77.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 77.000 - 80.000 đồng/kg.
Nhận định về triển vọng nhu cầu hồ tiêu, giới trong ngành cho rằng, nhìn chung tương đối tích cực khi các quốc gia trên thế giới đã ứng phó được phần nào dịch bệnh Covid-19, tiến hành mở cửa trở lại các nhà hàng và quán ăn, khiến cho lượng tiêu thụ gia vị hồ tiêu tăng trở lại.
Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây liên tục tăng cao, điều này cho thấy hồ tiêu vẫn luôn là loại gia vị không thể thiếu đối với người tiêu dùng tại đây. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang làm chủ thị trường hồ tiêu toàn cầu với thị phần không ngừng gia tăng.
Mặc dù vậy, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng phần nào đến sức tiêu dùng hàng hóa nói chung và hồ tiêu nói riêng.
Về các quốc gia có thế mạnh ở mặt hàng gia vị này trên thế giới, báo cáo quý I/2022 mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, vụ tiêu đen tiếp theo của Indonesia sẽ bắt đầu từ tháng 6 trở đi, do đó, còn quá sớm để ước tính sản lượng cho vụ mùa 2022.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cộng đồng Hồ tiêu thế giới IPC, sản lượng hồ tiêu Indonesia vụ 2022 có khả năng giảm 10% so với năm 2021. Giá FOB tiêu đen và tiêu trắng của nước này cho thấy chiều hướng giảm trong 3 tháng đầu năm 2022.
Còn tại Ấn Độ, vụ mùa năm nay cũng đã kết thúc với sản lượng ước tính giảm 10% so với vụ 2021. Giá xuất khẩu tiêu đen Ấn Độ tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm. Nhu cầu tiêu thụ cao và đầu cơ có thể là những yếu tố góp phần đảm bảo sự ổn định giá hồ tiêu của Ấn Độ trong thời gian tới.
Cũng trong 3 tháng đầu năm 2022, Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam, Brazil và Indonesia. Chỉ tính riêng Việt Nam, lượng hồ tiêu nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 3 đã tăng 150% so với tháng 2/2022, tăng 32% trong 3 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng khu vực Nam Á, Bộ Phát triển Nông nghiệp Sri Lanka cho biết năm 2022 ngành hồ tiêu của quốc gia này có thể chỉ sản xuất 20.000 tấn hoặc ít hơn, do lượng mưa lớn vào quý III/2021 ảnh hưởng đến sản xuất.
Trong thời gian tới, ngành hồ tiêu nước này sẽ chịu áp lực cạnh tranh cao từ Việt Nam và Brazil do chi phí sản xuất và nhân công trong nước tăng mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu của Sri Lanka vẫn khả quan do nhu cầu nhập khẩu cao từ Ấn Độ.
Với Brazil, theo IPC, sản lượng hồ tiêu dự kiến đạt 101.000 tấn, tăng 2% so với năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm 2022, Brazil xuất khẩu 13.345 tấn hồ tiêu, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.