Giá nông sản ngày 28/10: Cà phê quay đầu tăng 100 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 41.000 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.900 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.500 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.500 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 41.400 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 41.600 đồng/kg, 41.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.500 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.900 - 41.600 đồng/kg.
Ảnh minh họa. Ảnh: Trần Hiếu
Trên thị trường thế giới, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2023 được ghi nhận tại mức 1.878 USD/tấn sau khi tăng 0,16% (tương đương 3 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 12/2022 tại New York đạt mức 178,85 US cent/pound, giảm 0,5% (tương đương 0,9 US cent).
Cục Xuất Nhập khẩu mới đây dự báo, đà giảm giá cà phê sẽ chậm lại. Tính đến ngày 26/9, tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn New York giảm 460.387 bao, mức thấp nhất trong 23 năm qua.
Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến vùng trồng cà phê của Việt Nam.
Về dài hạn, thị trường được dự báo rằng sẽ chịu áp lực bởi nỗi lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương các nước đồng loạt tăng lãi suất khiến chi phí tài chính của các công ty nhập khẩu tăng lên khiến nhu cầu mua hàng cũng giảm.
Trong khi đó, sản lượng của niên vụ 2022 - 2023 được dự báo tăng trở lại. Người trồng cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra, hàng vụ mới trong kho dồi dào trong khi kho lưu trữ hạn chế.
Số liệu từ Công ty Cung ứng và Dự báo nông sản Conab Brazil dự báo, sản lượng cà phê arabica niên vụ 2022 - 2023 đạt 32,41 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ 2021 - 2022.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng cung - cầu cà phê thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”.
Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 167 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Brazil. Xuất khẩu cà phê toàn cầu dự báo tăng 1 triệu bao, lên 141,5 triệu bao nhờ xuất khẩu của Brazil và Indonesia cao hơn.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là 118,2 triệu bao, tăng từ mức 117,3 triệu bao của vụ trước. Còn lại 18,3 triệu bao là cà phê hòa tan và 5 triệu bao là cà phê rang xay.
Giá nông sản ngày 28/10: Tiêu giảm 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay đồng loạt giảm 500 đồng/kg xuống mức 57.000 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay cũng giảm 500 đồng/kg xuống 58.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay giảm 500 đồng/kg xuống mức 56.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đi ngang, hiện được thu mua với mức 59.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 56.000 - 59.000 đồng/kg.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 8/2022 đạt 2,65 triệu USD, giảm 34,6% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt xấp xỉ 30,12 triệu USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu nguồn cung 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu từ các thị trường như: Indonesia, Việt Nam, Brazil, Ý, Malaysia, Ấn Độ. Tháng 8/2022, Việt Nam trở thành nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt xấp xỉ 1,15 triệu USD, giảm 31,9% so với tháng 8/2021.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 9,47 triệu USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 28,15% trong 8 tháng đầu năm 2021 lên 31,46% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Tháng 8/2022, Indonesia trở thành nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc, kim ngạch đạt 895 nghìn USD, giảm 48,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Indonesia vẫn là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt xấp xỉ 14,64 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,32% trong 8 tháng đầu năm 2021 xuống 48,6% trong 8 tháng đầu năm 2022.