Giá nông sản ngày 25/10: Cà phê giảm 600 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 42.400 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 42.300 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 43.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 42.900 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 42.900 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 42.800 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 43.000 đồng/kg, 42.900 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 42.900 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 42.300 - 43.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. Ảnh: Lương Vinh
Trên thị trường thế giới, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2022 được ghi nhận tại mức 1.957 USD/tấn sau khi giảm 2,2% (tương đương 44 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 12/2022 tại New York đạt mức 190,4 US cent/pound, giảm 0,26% (tương đương 0,5 US cent).
Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Á và châu Đại Dương đạt 3,2 triệu bao, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tính chung 11 tháng đầu niên vụ, xuất khẩu của khu vực đã giảm nhẹ 1,5%, đạt 40,9 triệu bao.
Indonesia đóng góp lớn vào đà tăng trưởng xuất khẩu tháng 8 nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân chính đằng sau sự sụt giảm trong 11 tháng đầu niên vụ. Theo đó, xuất khẩu cà phê của Indonesia tăng 20,1% trong tháng 8 nhưng giảm 17,8% trong 11 tháng, chỉ đạt 6,2 triệu bao.
Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất trong khu vực, đã xuất khẩu 1,9 triệu bao trong tháng 8; nâng tổng xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 8 năm nay lên 26,6 triệu bao, tăng 1,8% so với niên vụ trước.
Còn tại Ấn Độ, các lô hàng xuất khẩu của nước này giảm 6% trong tháng 8, nhưng tính chung 11 tháng vẫn tăng 8,5% lên 6,6 triệu bao.
Tại châu Phi, xuất khẩu cà phê của khu vực này trong tháng 8 đạt 1,2 triệu bao, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế trong 11 tháng đầu niên vụ 2021 - 2022, châu Phi đã xuất khẩu 12,5 triệu bao cà phê, giảm so với 15,4 triệu bao của cùng kỳ vụ 2020 - 2021.
Xuất khẩu cà phê của Uganda, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất khu vực đã giảm 23% trong 11 tháng đầu niên vụ, xuống còn 5,3 triệu bao. Hạn hán ở hầu hết vùng trồng cà phê của Uganda đã làm giảm sản lượng thu hoạch của nước này.
Xuất khẩu cà phê của khu vực Trung Mỹ và Mexico cũng giảm 13% trong 11 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuống còn 15,1 triệu bao. Xuất khẩu của Guatemala và Honduras, hai nước sản xuất hàng đầu khu vực giảm 15,6% và 24,0% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 3,2 triệu bao và 4,5 triệu bao.
Giá nông sản ngày 25/10: Tiêu giảm 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 57.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 59.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 58.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 56.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 56.500 - 59.000 đồng/kg.
Việt Nam hiện vẫn là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới với khối lượng đạt 174.536 tấn trong 9 tháng đầu năm, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng thứ hai là Brazil đạt 59.740 tấn, giảm 3,4%. Tiếp theo là Indonesia với khối lượng 22.740 tấn (tính đến tháng 8), giảm 13,4%.
Từ đầu năm đến nay xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU. Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc cũng không được thuận lợi khi nước này tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid”.
Ngoài những yếu tố kể trên, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn. Các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu sang Ai Cập và Pakistan đang gặp khó khăn trong thanh toán. Hàng đã tới nơi nhưng bị “treo” lại vài tháng, chưa biết khi nào mới được thanh toán. Các doanh nghiệp đang phải chịu phí lưu container tại bãi.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đã đẩy đồng USD neo cao khiến cho ngân hàng trung ương một số nước phải tiến hành những biện pháp can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng nội tệ. Một số quốc gia như Pakistan, Ai Cập lại đối mặt với tình trạng dự trữ ngoại hối cạn kiệt nhanh chóng. Do đó, những nước này buộc phải ưu tiên ngoại tệ cho nhập khẩu hàng hoá thiết yếu và giảm đối với các mặt hàng không thuộc danh mục này.
Do khó khăn về thị trường tiêu thụ nên giá tiêu trong nước cũng có xu hướng giảm trong thời gian qua. Tính đến cuối tháng 9 giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã giảm từ 20 - 24% so với đầu năm nay.
Đà giảm giá được cho là vẫn chưa dừng lại, những ngày đầu tháng 10, giá hồ tiêu trong nước xuống dưới mốc 60.000 đồng/kg, trong bối cảnh xuất khẩu giảm và thị trường đang có dấu hiệu xả hàng nhằm thu hồi vốn phục vụ cho sản xuất vụ cà phê đang đến gần.
Về cơ bản những yếu tố tác động đến thị trường hồ tiêu trong thời gian qua như lạm phát tăng cao tại nhiều nước trên thế giới, chính sách Zero Covid của Trung Quốc và đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác vẫn sẽ là trở ngại chính đối với ngành hồ tiêu Việt Nam trong những tháng cuối năm nay.
Thêm vào đó, việc các đại lý đẩy mạnh bán tiêu để chuyển dòng vốn kinh doanh cà phê khi vụ cà phê đang đến gần cũng gây thêm áp lực giảm giá lên mặt hàng này.