Giá cà phê khởi sắc
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Giá cà phê trong nước được cập nhật lúc 4h20 sáng ngày 19/9/2023 như sau, giá cà phê trong nước tiếp tục khởi sắc và đang ở mức cao, giá cà phê trung bình ở các tỉnh Tây Nguyên là 67.700 đồng/kg. Trong đó giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 68.200 đồng/kg, các tỉnh đều có mức giá tăng 200-300 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ngày 18/9/2023 ở mức giá 67.600 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao nhất là 68.200 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 67.200 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk hôm nay ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 67.800 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 67.700 đồng/kg.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo dữ liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng 8 đã đạt 84.647 tấn (khoảng 1,41 triệu bao), giảm tới 22,3% so với tháng trước và thấp hơn đáng kể so với ước báo ban đầu của Tổng cục Thống kê Việt Nam là 90 ngàn tấn. Điều này đã khiến thị trường tiếp tục thể hiện mối lo thiếu hụt nguồn cung.
Tồn kho cà phê Robusta do sàn London Chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ Sáu ngày 15/09 đã tăng 3.450 tấn, tức tăng 9,78 % so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 38.730 tấn (khoảng 645.500 bao, bao 60 kg), ghi nhận mức tăng rất đáng kể, chủ yếu cà phê Robusta vụ mùa mới của Brasil được đưa về sàn để tham gia bán đấu giá.
Giá tiêu trong nước đi ngang
Giá tiêu tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 70.000 – 72.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 70.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (70.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (71.000 đồng/kg); Bình Phước (72.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.500 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, dù triển vọng dài hạn cho giá tiêu là rất tươi sáng. Tuy nhiên hiện tại vẫn đang là cuộc chiến giằng co giữa bên mua và bên bán. Tuần này kết quả phiên họp của Fed về lãi suất sẽ ảnh hưởng tới giá tiêu các nước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), vụ mùa hồ tiêu tại Việt Nam năm 2023 tương đối khả quan, ước sản lượng thu hoạch đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022. Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), sản lượng thu hoạch từ các nước sản xuất khác như Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm so với năm 2022.
Đáng chú ý, ngay sau khi mở cửa, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu trở lại hạt tiêu Việt Nam và trở thành thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng tiêu Việt Nam. Lượng tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đạt 53.792 tấn, tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và chiếm 28,7% thị phần.
Không chỉ thị trường Trung Quốc tăng mua mà xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang một số thị trường như: Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Pakistan… cũng ghi nhận mức tăng trưởng ba con số.
Tuy nhiên, xuất khẩu tiêu của Việt Nam thời gian tới dự báo sẽ duy trì mức thấp, do nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu từ các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc chưa thực sự phục hồi vững chắc.
Hiện lượng hồ tiêu vụ mùa 2023 trong dân và doanh nghiệp không còn nhiều. Từ giờ đến cuối năm, hồ tiêu xuất khẩu chủ yếu từ lượng tồn kho từ các năm trước đó, theo chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc chưa khởi sắc thì động thái của các khách hàng Âu Mỹ khiến thị trường bị "dìm" xuống. Các nhà nhập khẩu hồ tiêu trên thế giới sau khi thất vọng tại Indonesia sẽ trông chờ Việt Nam thu hoạch vụ hồ tiêu mới. Tuy vậy, sản lượng cũng không được đánh giá khả quan.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 năm 2020-2021, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang EU giảm nhưng thị phần đạt 17,1%, chỉ giảm nhẹ so với mức 18,2% của năm 2021.
Có thể nói so với Brazil, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế trước mắt nhưng về lâu dài cần tiếp tục nâng cao chất lượng, khai thác các phân khúc thị trường khác nhau, vì EU liên tục cập nhật và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch, các tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Vì vậy, bên cạnh lợi thế cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hướng đến việc cạnh tranh thông qua việc thỏa mãn các yêu cầu, tiêu chí nghiêm ngặt từ EU để giữ vững vị thế và đồng thời tham gia sâu hơn vào các thị trường khác.
Ghi nhận cho thấy, thị trường hồ tiêu thế giới biến động trái chiều trong thời gian trở lại đây.