Giá nông sản ngày 18/1: Cà phê tiếp tục giảm
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.300 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.800 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 40.800 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.700 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 40.900 đồng/kg, 40.800 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.900 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.200 - 40.900 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 3/2023 được ghi nhận tại mức 1.895 USD/tấn sau khi giảm 0,63% (tương đương 12 USD). Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 tại New York đạt mức 151,1 US cent/pound, giảm 0,4% (tương đương 0,6 US cent).
Thị trường nội địa của Việt Nam - nhà sản xuất Robusta hàng đầu đã bước vào giai đoạn trầm lắng do người dân đang tập trung mọi việc cho kỳ lễ Tết Nguyên đán Quý Mão sẽ bắt đầu vào cuối tuần này. Thông thường, hoạt động thương mại cà phê sẽ bị đình trệ khoảng 2 tuần trước và sau lễ đón Giao Thừa năm mới. Sau kỳ nghỉ lễ, thông tin mạnh nhất ảnh hưởng đến giá cà phê sẽ là đợt tăng/giảm lãi suất mới của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed), dự kiến đầu tháng 2/2023.
Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyên Hoàng
Giá nông sản ngày 18/1: Tiêu tiếp tục giảm 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 57.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 59.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 58.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 56.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 56.000 - 59.000 đồng/kg.
Nhiều ngày qua, anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chạy ngược chạy xuôi đi liên hệ khắp nơi nhưng vẫn không thuê được người hái tiêu. Hai vườn tiêu với gần 1 ha của anh đã chín đỏ, thậm chí trái khô chuyển màu đen và rụng đầy gốc.
Bất đắc dĩ, anh phải đầu tư gần 20 triệu đồng mua lưới phủ kín dưới gốc để hứng tiêu rụng. “Tôi phủ lưới một vườn trước, tranh thủ tìm thuê người hái vườn còn lại. Nếu không phủ lưới, đi gom tiêu rụng đổ dưới gốc vừa tốn thời gian vừa thất thoát lượng tiêu lớn”, anh Thắng giải thích.
Tương tự, anh Trịnh Văn Tân (ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, năm nay tiêu chín sớm đồng loạt nên trước tết cả tháng các hộ dân đã phải vào vụ thu hoạch càng khiến nguồn lao động thiếu hụt.
“Tôi phải liên hệ khắp nơi, huy động thêm họ hàng mới được 10 công hái tiêu. Vườn tiêu 5 sào phải hơn 110 công mới hái xong. Tôi còn 1 vườn tiêu nữa khoảng 6 sào đã chín đỏ, trái rụng đầy gốc cần phải khẩn trương thu hái mà giờ chưa thuê được người”, anh Tân nói thêm.
Theo người trồng tiêu, tiêu chín mà không thu hoạch kịp thời sẽ khô, rụng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt cũng như làm giảm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trong vụ sau. Giải pháp lót bạt để tiêu tự rụng khi không thuê được công thu hái về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và làm cho cây suy yếu rất trầm trọng.
Hiện công hái tiêu tại địa phương được trả từ 280-300 ngàn đồng/ngày công. Ngoài ra, chủ vườn còn hỗ trợ thêm tiền mua nước uống, ăn trưa cho lao động ở xa tới hái tiêu. Tuy nhiên, lao động trẻ ở địa phương hiện nay chủ yếu đi làm ở nhà máy, xí nghiệp. Số còn lại thì đi làm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Nên việc kiếm người thu hoạch tiêu vào thời điểm gần tết rất khó khăn.
Theo đánh giá của nhiều hộ dân trồng tiêu tại huyện Châu Đức, năm nay tiêu đậu trái nhiều nên năng suất cao hơn. Tuy nhiên giá tiêu thương lái thu mua ngày càng xuống thấp. “Giá tiêu rớt sâu trong khi giá nhân công, phân, thuốc liên tục tăng nên nhiều năm nay người trồng tiêu hầu như không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Nhưng lỡ đầu tư nhiều tiền bạc công sức, giờ bỏ vườn tiêu cũng không biết làm gì để sống”, anh Tân khắc khoải.