Giá nông sản ngày 10/3: Cà phê cao nhất đạt 90.800 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 89.800 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 89.700 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 90.700 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 90.600 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 90.600 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 90.500 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 90.800 đồng/kg, 90.700 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 90.600 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 89.700 - 90.800 đồng/kg. So với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm tăng mạnh 4.700 - 4.900 đồng/kg.
Ảnh minh họa. Ảnh: Mai Phương
Ông Trương Ngọc Lợi, chủ vườn cà phê tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), cũng tiếc rẻ: “Thời điểm đầu vụ thu hoạch, giá cà phê còn đang ở mức 60.000 đồng/kg, vườn nhà tôi không lớn lắm nên thu hoạch được bao nhiêu tôi bán ngay vì sợ rớt giá. Bây giờ nghe tin giá lên 90.000 đồng/kg, nhiều người dự báo sẽ còn tăng cho đến tháng 8, tôi tiếc đứt ruột nhưng không biết làm sao vì hiện nay cà phê trong dân còn rất ít, ít ai còn trữ lại đến giờ này”.
Một doanh nghiệp cà phê ở Đắk Nông cho biết: “Trong ngày hôm qua, nhiều người tranh thủ bán chốt lời. Tuy nhiên, sản lượng không còn nhiều vì không ai nghĩ giá sẽ đạt tới mức này. Phần lớn nông dân và người kinh doanh nhỏ đã bán hết khi giá đạt mốc 80.000 đồng/kg. Để mua được hàng, nhiều doanh nghiệp liên tục tăng giá nhưng nguồn cung rất hạn chế”.
Giá nông sản ngày 10/3: Hồ tiêu cao nhất đạt 95.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 94.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt mức 95.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 94.500 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 93.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 92.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 92.500 - 95.000 đồng/kg. So với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm giảm 500 - 1.000 đồng/kg.
Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Bên cạnh việc năm nay tiêu "được mùa, được giá" thì một số nhà vườn vẫn lo lắng vì thiếu nhân công thu hoạch.
Ông Trần Vĩnh Phong (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, ra Tết thì vườn tiêu đã chín đồng loạt. Năm nay thời tiết thuận lợi nên tiêu phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 3kg hạt tiêu khô/trụ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân công hái tiêu gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn lao động. Đó là chưa kể nhà vườn đã tăng tiền công lên 200.000 đồng/ngày so với 180.000 đồng/ngày ở vụ năm ngoái.
Theo ông Phong, lý do là hầu hết lao động trẻ tại địa phương đều đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp ngoại tỉnh. Kết thúc kỳ nghỉ Tết, họ phải quay trở lại làm việc. Trong khi đó, lao động thời vụ tại địa phương lại đổ xô đi các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông làm thuê do thu nhập cao hơn.
"Tôi phải liên hệ khắp nơi được 9 lao động hái tiêu. Vườn tiêu 4.000 trụ năm ngoái phải cần tới 300 công mới hái xong nhưng năm nay chỉ còn được 250 công. Do ít nhân công thu hái nên gia đình tôi quyết định dùng bạt rải dưới gốc hái cho nhanh và hạn chế thấp nhất tiêu chín rụng gây thất thoát ra đất khi mình hái không kịp", ông Phong nói.
Không chỉ vườn tiêu của ông Phong mà các vườn tiêu khác cũng trong tình trạng khan hiếm nhân công. Cách đó không xa, gia đình anh Lữ Quốc Định (trú tại thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa) cho hay, với 3.000 trụ tiêu thì mỗi năm gia đình cần đến 20 lao động để thu hoạch trong vòng 1 tháng. Thế nhưng, dù đã tăng tiền công lên đến 250.000 đồng/ngày kèm theo hỗ trợ nước uống, ăn trưa nhưng anh chỉ thuê được 9 lao động tại địa phương.
"Ở xung quanh nhà tôi cũng có nhiều gia đình cần thuê nhân công. Tuy nhiên, mọi người khó có thể tìm đủ nhân công như mong muốn dù cho tiền công năm nay có tăng. Chính vì vậy, tôi phải động viên, hỗ trợ để các lao động yên tâm làm việc trong mùa thu hoạch", anh Định nói.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho biết, hồ tiêu là loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng lại đòi hỏi quy trình trồng, chăm sóc rất khắt khe. Nếu để hồ tiêu chín và tự rụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây, từ đó giảm năng suất, chất lượng và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong những năm tiếp theo. Chính vì vậy, việc thu hoạch tiêu phải được thu hoạch bằng thủ công.
"Trước thực trạng thiếu nhân công, bà con nên chủ động tìm kiếm lao động địa phương hoặc nhờ chính quyền địa phương kết nối. Bên cạnh đó, đối với những vườn tiêu ở liền kề nhau mà khó khăn trong việc thuê nhân công thì họ có thể liên kết với nhau để vần công, đổi công thu hái ở những vườn nào chín trước thu hái để đảm bảo chất lượng hạt tiêu", ông Bính nói.