Giá tiêu trong nước hôm nay
Giá tiêu hôm nay ngày 26/3/2024, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ nhiều địa phương tiếp tục chững lại, cao nhất 96.000 đồng/kg.
Trong đó, giá tiêu khu vực Tây Nguyên hôm nay tiếp tục dao động từ 92.500 - 96.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu Chư Sê (Gia Lai) tiếp tục được thu mua ở mức 92.500 đồng/kg, bằng so với giá hôm qua; Giá tiêu Đắk Lắk và giá tiêu Đắk Nông vẫn duy trì ở mức 96.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ giá tiêu hôm nay tiếp tục dao động từ 95.000 - 95.500 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn được thu mua ở mức 95.500 đồng/kg, giá tiêu Bình Phước duy trì ổn định ở mức 95.000 đồng/kg, bằng so với giá hôm qua.
Giá cà phê trong nước
Giá cà phê trong nước tăng đến 800 đồng/kg và đang đứng ở mức rất cao. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 95.900 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 96.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá khá cao với 95.800 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 96.000 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 95.500 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay (ngày 26/3) tại tỉnh Đắk Lắk; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 95.800 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 95.900 đồng/kg.
Như vậy, hôm nay là ngày thứ 2 liên tiếp giá tiêu các vùng trọng điểm trên cả nước chững lại. Trước đó, giá tiêu các vùng cũng biến động tăng, giảm thất thường, tuy nhiên không lớn biên độ dao động trong khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện các địa phương đã thu hái gần xong vụ tiêu năm nay. So với năm ngoái, giá tiêu tăng đột biến giúp người trồng lãi lớn.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam từ ngày 1/3 - 15/3/2024 cho thấy, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu 11.668 tấn với trị giá khoảng 50,357 triệu USD; Lũy kế đến hết kỳ báo cáo xuất khẩu 42.534 tấn, trị giá khoảng 174,597 triệu USD.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung là chất xúc tác chính thúc đẩy lực tăng giá Robusta trong tuần qua. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khô nóng kéo dài tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của Việt Nam đang khiến thị trường có cái nhìn tiêu cực về triển vọng nguồn cung vụ 24/25. Hơn thế, tồn kho gần như cạn kiệt khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn.
Thị trường cà phê đang ở trong giai đoạn sốt giá, tập trung vào Robusta - loại cà phê mà Việt Nam là nhà cung cấp số 1 cho toàn cầu. Giá cà phê tăng nhanh đột biến hiện nay là do sản lượng Robusta bị hụt gần 20% - một phần vì ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, tác động mạnh của hiện tượng El Nino
Trên thế giới, một số nhà bán lẻ đang thay thế cà phê Arabica bằng cà phê Robusta nhằm tránh giá bán lẻ tăng vọt. Nhu cầu ngày càng tăng đang thắt chặt nguồn cung Robusta, dẫn đến giá cao hơn.
Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới. Với lợi thế giá thành rẻ, Việt Nam được các nhà rang xay trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ, lựa chọn là nhà cung cấp Robusta chính.
Theo nhận định của các chuyên gia của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), đà tăng giá nóng những tháng đầu năm của thị trường đến từ việc mất cân đối cung cầu, khi tồn kho cà phê thế giới thấp kỷ lục, buộc các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để thu mua và trả hợp đồng. Căng thẳng tại Biển Đỏ cũng là chất xúc tác để giá cà phê toàn cầu đạt đỉnh.
Thương nhân quốc tế suy đoán sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023 - 2024 có thể giảm thêm 2 - 3%. Còn theo Vicofa, niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022 - 2023.