Tỷ giá USD trên thị trường thế giới
Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 102,40 điểm, đi ngang so với giao dịch ngày 17/8/2024.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD khá ổn định khi chỉ giảm 0,01%, xuống mốc 103,13 trong bối cảnh thị trường tiền tệ giao dịch ổn định hơn, khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất sâu vào tháng tới, trước một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ cũng như sau những động thái bất ổn vào tuần trước. Sự phục hồi này diễn ra sau một tuần giao dịch đầy biến động, bắt đầu bằng đợt bán tháo lớn trên các loại tiền tệ và thị trường chứng khoán, do lo ngại về nền kinh tế Mỹ và thái độ diều hâu của Ngân hàng Nhật Bản.
Tuy nhiên, sang ngày 14/8, đồng bạc xanh giảm mạnh 0,54%, xuống mốc 102,60 trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể chỉ ra triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed trong tháng 9 tới.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua. Nguồn ảnh: Marketwatch
Đến ngày 15/8, chỉ số DXY giảm 0,03%, xuống mốc 102,57 sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Cụ thể, CPI của Mỹ tăng vừa phải vào tháng 7, trong khi mức tăng lạm phát hằng năm đã chậm lại xuống dưới mức 3%, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, làm tăng kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới, mặc dù có thể không quyết liệt như thị trường mong đợi.
Để rồi tới ngày 16/8, đồng USD đảo chiều tăng 0,47%, đạt mốc 103,04 nhờ dữ liệu kinh tế của Mỹ làm dịu đi nỗi lo về rủi ro suy thoái, và làm giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất.
Song đồng bạc xanh lại chốt tuần giao dịch bằng việc giảm 0,57% xuống mốc 102,40 sau động thái các nhà giao dịch chốt lời, và các nhà đầu tư chọn lọc dữ liệu kinh tế để đánh giá nhu cầu cắt giảm lãi suất của Fed. Số liệu nhà ở không như kỳ vọng của Mỹ cũng gây áp lực lên đồng bạc xanh, khiến đồng bạc xanh mất đi một phần đà tăng có được một ngày trước đó, sau dữ liệu cho thấy lạm phát có xu hướng giảm.
Ở một diễn biến khác, đồng bảng Anh tăng 0,6%, đạt mức 1,2931 USD - mức cao nhất kể từ ngày 25/7, sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Anh tăng nhẹ vào tháng 7, một phần là do chi tiêu tăng trong giải vô địch bóng đá nam Euro. Trong khi đó, đồng EUR tăng 0,36%, đạt mức 1,1012 USD. Đồng tiền chung đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 3-1 vào đầu tuần này, nhờ sự sụt giảm của đồng bạc xanh sau loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm.
“Fed đang cắt giảm lãi suất. Điều đó sẽ gây bất lợi cho đồng USD”, Vassili Serebriakov, chiến lược gia ngoại hối tại UBS cho biết. “Đồng tiền có khả năng vẫn hoạt động tốt nhất so với đồng USD chính là đồng yên. Ngân hàng Nhật Bản đang tăng lãi suất và điều đó cũng góp phần thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản”.
Tỷ giá USD trong nước
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 18/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm tuần 6 đồng, hiện ở mức 24.254 đồng.
Sáng ngày 18/8, Giá bán USD hiện ở mức 24.254 đồng. Ảnh minh hoạ
Hiện tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) dao động từ 23.400 – 25.450 VND/USD. Tỷ giá đồng Đô la Mỹ cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.450 VND/USD.
Tỷ giá USD ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ và giá USD trong nước vào sáng nay ghi nhận hàng loạt tăng tại các ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank có mức mua vào là 24,860 và mức bán ra là 25,230, không đổi ở chiều mua và giữ mức giá ở chiều bán so với phiên giao dịch ngày 16/8. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 24.000 - 25.500 VND/USD.
Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 25.291 đồng – 27.954 đồng.
Tỷ giá yên Nhật tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 155 đồng – 171 đồng.