Tại làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) thời điểm này mọi năm, không khí thu hoạch hoa nhộn nhịp sôi động, các thương lái từ khắp mọi nơi đổ về lấy hoa. Tuy nhiên, cận kề Rằm tháng Giêng, nông dân sốt sắng lo tiêu thụ lượng lớn hoa đang nở rộ. Giá hoa giảm tới 50-70% so với trước Tết, tiêu thụ gặp khó vì ảnh hưởng dịch bệnh.
Những loại hoa dễ bán sau Tết, vào mùa lễ hội như hoa cúc, hoa ly, hoa hồng, hoa loa kèn, thược dược... tới ngày cắt bán, nay đã bung nở nhưng vẫn “nằm im” trên ruộng. Nhiều hộ gia đình tại đây đã phải cắt bỏ để tiến hành làm đất, gieo trồng luống mới vì không tìm được thị trường tiêu thụ.
Lý giải nguyên nhân hoa bị mất giá và phải cắt bỏ gấp, người trồng cho biết, hoa khó bán từ trước Tết, khi các thị trường tiêu thụ lớn tại miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Ra Giêng, lễ hội, chùa, phủ và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng tạm hoãn do dịch bệnh, hoa tươi một lần nữa lao đầu tìm người mua. Nhà vườn chủ động kết nối, chuyển hướng bán thêm đi các tỉnh phía Nam, miền Trung nhưng hiệu quả không cao. Vận chuyển đường dài, chênh lệch nhiệt độ khiến hoa Tây Tựu kém sức cạnh tranh.
Hoa rớt giá khiến tất cả những người làm nghề trồng hoa tại đây đều lo lắng chứ không riêng một ai. Người dân ở đây chỉ mong cứu vãn được một chút để hòa vốn, thu đủ tiền giống chứ không dám nghĩ đến lời lãi và các khoản chi phí thêm như phân bón, nhân công, điện thắp sáng...
Hoa cúc rớt giá thảm, nhiều vườn rao 30.000 đồng/ 50 bông vẫn khó bán.
Theo ghi nhận của Tienphong.vn “Hoa gì cũng ế. Ế nhất là hoa cúc, sau đó tới hoa ly. Trước tết 100.000 đồng/ mớ thì nay rẻ mất 2 phần, chỉ còn 30.000 đồng/ mớ 50 cành vẫn không bán được. Hoa cúc nở to phải bỏ đi nhiều, thậm chí thuê người đi vứt”. Bà Đỗ Thị Khánh (người trồng hoa tại Tây Tựu) chia sẻ.
Với hoa ly, giá hàng đẹp tại vườn 130.000 – 140.000 đồng/10 cành 5 lai trở lên. Hàng cắt kèm bông xanh, bông chín thì chưa tới 100.000 đồng/ 10 cành. Ông Nguyễn Đăng Thuỷ (người trồng hoa tại Tây Tựu) thừa nhận, mức giá trên thấp hơn 50-60% dịp trước Tết.
“Giá trước Tết còn đủ tiền gốc, có chút lãi. Giờ có vườn không đủ hoà vốn củ ly. Mỗi sào ly cần đầu tư vốn lớn, 80 – 100 triệu đồng. Ngay từ mùng 3-4 Tết, hoa ly chỉ bán được 80.000 – 100.000 đồng/ 10 cành thì lỗ vào nửa vốn. Hàng đẹp nhưng không gặp thời”, ông Thuỷ cho hay.
Vụ hoa trước và sau Tết, lường trước khó khăn, nhiều nhà vườn tại Tây Tựu chủ động giảm 30% diện tích reo trồng. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch thì dịch bệnh bùng phát, nông dân trở tay không kịp. Ngoài thị trường trong nước, người trồng còn trông mong vào khả năng tiêu thụ tại Trung Quốc, khi lễ thanh minh đến gần.
Trước Rằm tháng Giêng, giá hoa tại chợ ở Hà Nội rẻ lạ thường.
Tại các chợ truyền thống Hà Nội, giá hoa cận Rằm tháng Giêng cũng giảm mạnh. Hoa cúc 20.000 đồng/ 10 bông, hoa hồng 30.000 – 40.000 đồng/ 10 bông. Hoa ly 15.000 - 20.000 đồng/ cành, đồng tiền 30.000 đồng/ 10 bông, … Tiểu thương tại chợ Kim Liên cho biết, hoa sau Tết toàn bộ là hàng mới cắt, mã đẹp, giá rẻ hơn nhiều so các dịp lễ trong năm.
Một mối bán hoa tươi tại chợ Nam Đồng (Hà Nội) cho biết: “Hoa lấy về phải lọc, có cành gẫy, cành hỏng. Hoa ly hiện tại có rất nhiều hàng đông lạnh chào giá thấp, đặc biệt là ly kép. Thấy giá rẻ nhưng người mua phải chọn kỹ, đặc biệt khi mua chỗ lạ trên mạng”.
Trên chợ mạng, hoa được rao bán rầm rộ khắp các hội nhóm, giá lẻ chỉ tương đương hoặc cao tại vườn 10.000 – 20.000 đồng/ bó. Nông dân các vùng trồng hoa đăng bán trực tiếp, chào hàng với đầy đủ hình ảnh, thông tin giá cả, giao hàng sỉ lẻ tận nơi.
Bên cạnh nông sản, dịp này, một số tài khoản mạng xã hội còn kêu gọi giải cứu, gom hoa bán hộ bà con Hải Dương gặp khó khăn đầu ra do dịch bệnh. Chị Vũ Thị Hoa (Hà Nội) cho biết: “Bà con Chí Linh có vườn hoa huệ mấy chục vạn bông để bán Rằm mà giờ không xuất được. Em xin phép đăng giải cứu cho bà con, cả phí vận chuyện về tới Hà Nội là 50.000 đồng/ 50 bông. Ship tận nhà thêm 7.000 đồng/ Hoa huệ chưa bao giờ có giá này”.