Giá heo hơi miền Bắc
Tại khu vực miền Bắc, giá heo tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng 23/2. Đáng chú ý, Phú Thọ và Hà Nam cùng ghi nhận mức tăng 1.000 đồng/kg, đưa giá thu mua lên 72.000 đồng/kg. Các địa phương khác như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội và Thái Bình hiện cũng duy trì mức giá 72.000 đồng/kg, phản ánh xu hướng tăng ổn định trong khu vực.
Tại những tỉnh, thành phố còn lại, giá heo hơi dao động từ 70.000 - 71.000 đồng/kg, cho thấy thị trường miền Bắc vẫn đang trong đà tăng, dù mức điều chỉnh không quá mạnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung - Tây Nguyên
Tại miền Trung - Tây Nguyên, thị trường heo hơi tiếp tục khởi sắc với mức giá cao nhất đạt 75.000 đồng/kg tại Lâm Đồng. Ngoài ra, một số địa phương khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể như Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận với 74.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Quảng Ngãi và Bình Định, giá heo hơi đạt 72.000 đồng/kg, trong khi Quảng Nam và Khánh Hòa thấp hơn một chút, ở mức 71.000 đồng/kg. Mức giá này đánh dấu sự tăng trưởng đồng đều trên toàn khu vực, phản ánh nhu cầu tiêu thụ lớn và nguồn cung heo hơi có xu hướng giảm.
Giá heo hơi miền Nam
Miền Nam tiếp tục là khu vực có mức giá cao nhất, với đà tăng mạnh trong những ngày qua. Hiện tại, giá heo hơi tại Đồng Nai, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau đã chạm 76.000 đồng/kg – mức giá cao nhất trên cả nước.
Nhiều địa phương khác cũng ghi nhận sự điều chỉnh tích cực, đẩy mức giá chung trong khu vực dao động từ 74.000 - 76.000 đồng/kg. Sự tăng giá này phản ánh nhu cầu tiêu thụ heo hơi đang rất lớn, đặc biệt khi nguồn cung tại các trang trại không còn dồi dào như trước.
Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay tiếp tục xu hướng tăng trên diện rộng, với mức cao nhất đạt 76.000 đồng/kg. Hiện tại, mức giá heo hơi trên cả nước dao động từ 70.000 - 76.000 đồng/kg, phản ánh thị trường đang trong giai đoạn sôi động và có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Giá heo hơi tăng nhanh không chỉ do nhu cầu tiêu thụ cao mà còn bị tác động bởi nguồn cung hạn chế, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng và các yếu tố kinh tế khác. Dự báo trong thời gian tới, giá heo hơi có thể tiếp tục giữ vững mức cao, tạo cơ hội cho người chăn nuôi nhưng cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp chế biến và tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Tâm (tổ 3, phường Yên Thế, TP Pleiku) thông tin: Tôi thuê trang trại nuôi heo tại xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) hơn 10 năm nay. Hàng năm, tôi luôn duy trì 40 con heo nái để lấy con giống nuôi heo thịt. Từ năm 2024 đến nay, giá heo hơi trên thị trường liên tục tăng nên tôi có lợi nhuận khá để bù đắp thua lỗ của những năm trước. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tôi bán heo hơi với giá 65 ngàn đồng/kg. Hiện giá heo hơi tăng lên 69-71 ngàn đồng/kg nhưng tôi không còn heo thịt để bán.
Còn ông Ayõ-Phó Trưởng thôn Piơm (thị trấn Đak Đoa) thì cho hay: Gia đình ông nuôi heo sinh sản từ nhiều năm nay. Ngoài việc bán heo giống cho bà con trong làng, ông còn nuôi thêm heo thịt cung cấp ra thị trường. Những năm trước, giá heo hơi cao nhất vào khoảng 55 ngàn đồng/kg. Còn năm nay, giá heo hơi trên thị trường liên tục tăng, giúp người chăn nuôi có lãi khá.
Ông Lê Tấn Hùng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-cho biết: Hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 53 ngàn con, tập trung chủ yếu tại các trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thời điểm này, giá heo hơi tăng cao nhưng phần lớn người chăn nuôi đã bán từ trước Tết nên còn rất ít nguồn cung.
Theo ước tính của người chăn nuôi, với giá heo hơi trên thị trường hiện nay, nếu chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín thì khi heo đạt trọng lượng 1 tạ/con và xuất bán sẽ đạt lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/con. Còn nếu chăn nuôi nhỏ lẻ, lợi nhuận đạt 1,5-1,7 triệu đồng/con.
Theo ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Năm 2024, giá heo hơi trên thị trường duy trì ổn định ở mức cao đã giúp người chăn nuôi có lợi nhuận. Đặc biệt, các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường nên ít xảy ra dịch bệnh. Từ sau Tết đến nay, giá heo hơi trên thị trường liên tục tăng. Đây là điều khác biệt so với những năm trước.
Theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân giá heo hơi tăng cao là do tác động của dịch tả heo châu Phi, dịch heo tai xanh xuất hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi, nguy cơ dịch bệnh cũng tăng cao hơn nên người dân thận trọng khi tái đàn.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu heo qua biên giới nên nguồn cung trên thị trường bị hạn chế. Những địa phương phát triển mạnh chăn nuôi heo như Đồng Nai và một số tỉnh phía Bắc chưa kịp tái đàn dẫn đến giá heo hơi trên thị trường tăng.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Nguồn thức ăn chăn nuôi phải nhập từ các tỉnh, thành khác về nên chi phí đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, sản phẩm chăn nuôi của Gia Lai chủ yếu xuất thô, chưa có cơ sở giết mổ tập trung; vì thế, lợi nhuận mang lại còn hạn chế.