Giá heo hơi miền Bắc
Ngày 22/7, thị trường heo hơi tại miền Bắc chứng kiến sự sụt giảm đồng loạt, không còn địa phương nào giữ được mức giá ổn định so với hôm qua.
Hầu hết các tỉnh thành trong khu vực đều giảm 1.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang và Phú Thọ, giá heo hơi giảm từ 64.000 xuống còn 63.000 đồng/kg. Trong khi đó, các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Thanh Hóa cũng điều chỉnh giảm từ 62.000 còn 61.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Bắc hiện dao động phổ biến trong khoảng 61.000 – 64.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung – Tây Nguyên
Khu vực Miền Trung -Tây Nguyên tiếp tục đối mặt với xu hướng giảm giá sâu. Gia Lai hiện trở thành địa phương có mức giá thấp nhất cả nước – 60.000 đồng/kg, sau khi giảm thêm 1.000 đồng.
Ngoài ra, các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk cùng ghi nhận mức giảm mạnh nhất – tới 2.000 đồng/kg. Một số địa phương khác như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Trị cũng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg. Duy chỉ có Thừa Thiên Huế giữ nguyên giá ở mức 62.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại khu vực này hiện nằm trong khoảng 60.000 – 62.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam
Miền Nam – vốn là khu vực có giá heo hơi cao nhất cả nước – cũng đang chịu ảnh hưởng rõ nét từ đợt điều chỉnh. Nhiều tỉnh thành ghi nhận mức giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp và An Giang cùng giảm 1.000 đồng/kg. Riêng Lâm Đồng giảm sâu tới 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, TP Cần Thơ vẫn duy trì được mức cao 65.000 đồng/kg, trở thành nơi có giá cao nhất miền Nam hiện nay. Cà Mau giữ đỉnh toàn quốc với mức giá 66.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam dao động trong khoảng 63.000 – 66.000 đồng/kg.
Các chuyên gia dự báo thị trường heo hơi có thể kéo dài xu hướng đi xuống tại nhiều địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn phường Tân Phong, tỉnh Lai Châu, dịch tả heo châu Phi tái phát và có diễn biến phức tạp trên đàn heo, thông tin từ Báo Lai Châu.
Theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân tái phát dịch tả heo châu Phi trên địa bàn do mầm bệnh tồn tại ngoài môi trường từ các ổ dịch cũ. Một số con heo nhiễm mầm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, bài tiết virus ra ngoài môi trường kết hợp với các hoạt động khác của con người (vận chuyển, buôn bán...).
Trong khi đó, hiện nay, địa phương chưa triển khai tiêm đồng loạt vắc xin thương mại phòng dịch tả heo châu Phi và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết đang chuyển sang nóng ẩm, mưa nhiều, tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của các vi sinh vật gây bệnh, sức đề kháng của vật nuôi giảm.
Được biết, tổng đàn heo của phường Tân Phong có khoảng 18.000 con. Dịch tả heo châu Phi xuất hiện từ đầu tháng 7 tại bản Nà Bỏ, sau đó lan sang bản Xéo Xin Chải.
Bà Hoàng Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phong cho hay ngày 11/7, qua nắm bắt thông tin ở cơ sở, heo của một số hộ dân trên địa bàn chết không rõ nguyên nhân. Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND phường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, mổ, khám lấy mẫu bệnh phẩm các cá thể heo chết gửi cơ quan thú y xét nghiệm xác định bệnh.
Theo phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 4978 ngày 12/7 của Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm Thú y Trung ương có mẫu dương tính với virus gây dịch tả heo châu Phi. Hiện nay, tổng số lượng tiêu huỷ là 12 con, với tổng trọng lượng 606 kg.
Ngày 16/7, UBND phường Tân Phong đã ban hành quyết định công bố bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn phường. Đồng thời, phường đã tạm ứng 50 lít sát trùng và các vật tư hoá chất kèm theo để xử lý các ổ dịch.
Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân thực hiện “5 không”, bao gồm: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Lực lượng chức năng cũng hướng dẫn các hộ chăn nuôi chấp hành nghiêm quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y, thực hiện các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh xung quanh chuồng trại. Đến thời điểm hiện tại, dịch tả heo châu Phi cơ bản được kiểm soát.