Giá heo tại miền Bắc
Theo ghi nhận, thị trường heo hơi miền Bắc tiếp đà tăng nhẹ ở một vài địa phương.
Hiện tại, heo hơi ở Hưng Yên và Phú Thọ đang được giao dịch chung mức 67.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Đây là mức giá thu mua cao nhất được ghi nhận tại khu vực trong phiên sáng nay.
Thương lái tại các tỉnh, thành còn lại tiếp tục thu mua heo hơi trong khoảng 65.000 - 66.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc trong khoảng 65.000 - 67.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo tại miền Trung-Tây Nguyên
Sáng nay, giá heo hơi miền Trung - Tây Nguyên ghi nhận tăng 1.000 đồng/kg ở Bình Định, nâng giá thu mua lên mức 64.000 đồng/kg - ngang với Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Thuận.
Heo hơi tại các địa phương còn lại được triển khai với giá không đổi so với sáng qua.
Hiện tại, giá heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg.
Giá heo tại miền Nam
Thị trường heo hơi miền Nam cũng tăng nhẹ theo xu hướng chung.
Theo đó, hai tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai mức tăng 1.000 đồng/kg, nâng giá bán lên mức cao nhất 65.000 đồng/kg - ngang với Bến Tre.
Tương tự, giá heo hơi tại tỉnh Sóc Trăng cũng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt mức 64.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại có giá đi ngang so với ngày hôm qua.
Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg.
Ông Hoàng - thương lái thu mua heo ở các tỉnh miền Nam - cho biết so với cùng kỳ 2023, giá mặt hàng này đang tăng 26%. Năm nay, hoạt động thu mua khó hơn so với mọi năm vì hàng trong dân giảm. Nhiều hộ không có tiền để tái đàn trong bối cảnh giá con giống tăng cao, chi phí thức ăn chăn nuôi cũng tăng trở lại. "Cung đang giảm dần là nguyên nhân chính khiến giá heo đi lên", ông Hoàng cho nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho hay giá heo hơi tăng gần đây phù hợp với quy luật thị trường. Bởi sau một thời gian dài giảm xuống mức hơn 50.000 đồng/kg, nhiều người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn, không có lãi. Đến nay, giá heo hơi lên 65.000 đồng là mức hợp lý để người chăn nuôi có lãi.
"Khảo sát sơ bộ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và ngay cả doanh nghiệp lớn cho thấy họ đã giảm đàn 30-40% so với trước, có nơi giảm tới 70%. Do đó, nguồn cung heo hơi ra thị trường sụt giảm", ông Công chia sẻ.
Ông dự báo giá mặt hàng này có thể tiếp tục tăng cao trong 2 tháng tới. Nông dân chưa dám tái đàn nhiều, còn về phía doanh nghiệp cũng đang tăng nguồn lực nhưng sẽ khó tăng mạnh khi dịch bệnh hoành hành.
Số liệu từ các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan cũng cho thấy giá heo hơi đang trên 60.000 đồng/kg. Do đó, giá thịt heo bán ra khó hạ nhiệt.
Mặc dù giá tăng cao, theo Cục chăn nuôi, người dân cần thận trọng trong tái đàn và xuất bán. Không nên "găm hàng" đợi tăng giá vì thị trường biến động liên tục.
Theo Bộ Công Thương, tình hình chăn nuôi heo trên cả nước có nhiều khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán thịt hơi tăng đều trên cả nước. Tổng số heo của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 3 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng tại một số tỉnh tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng đang có tăng trưởng chăn nuôi tốt khi các doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và cho sản phẩm. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia trong ngành và các doanh nghiệp cho rằng nguồn cung vẫn thiếu hụt. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá heo hơi tăng cao trong thời gian qua.
Thời gian qua, thời tiết chuyển mùa là một trong những tác nhân khiến các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Kạn, việc người dân đẩy mạnh tái đàn sau Tết Nguyên đán, nhất là khi heo hơi có phần tăng giá mà không đảm bảo nguồn gốc con giống cũng như chưa chấp hành tốt việc chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học... là nguyên nhân chủ yếu khiến dịch tái bùng phát.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, từ đầu năm đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 116 thôn, bản của 39 xã thuộc 7/8 huyện, thành phố. Thống kê sơ bộ, đã có hơn 1.500 con heo của hơn 400 hộ gia đình bị nhiễm bệnh, số lượng tiêu hủy lên đến hơn 63 tấn.
Đặc biệt, chỉ khoảng 1 tháng qua, dịch đã xuất hiện tại 34 xã, phường, thị trấn và vẫn đang có dấu hiệu lây lan nhanh trên diện rộng.
Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Kạn cho biết, trong chỉ đạo chung của ngành, đặc biệt lưu ý vấn đề mua con giống phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên hầu hết các hộ chăn nuôi chưa thực hiện tốt, thông tin từ VOV.
Với Vaccine thì chỉ tiêm phòng được cho heo từ 4 - 10 tuần tuổi và chủ yếu phục vụ cho heo thịt. Do đó, trong quá trình này, đầu tiên các hộ phải lựa chọn được heo giống được từ các cơ sở đảm bảo. Thứ hai đó là phải đảm bảo chăn nuôi an toàn. Chúng ta đã có bài học từ các năm trước, đó là các trang trại nào làm tốt phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì không bị dịch bệnh”.
Trước thông tin có tình trạng một số đối tượng đi thu mua heo chết của người dân với mục đích tuồn ra thị trường, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu người chăn nuôi chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch; khuyến khích người dân kịp thời tố giác những hành vi mua bán heo nhiễm bệnh, đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.