Trong nhiều ngày liên tiếp từ đầu tháng 7, giá heo hơi tại nhiều tỉnh thành phía Bắc tăng từ 1.000 đồng/kg đến 3.000 đồng/kg. Mức tăng này không đồng loạt diễn ra ở các tỉnh mà tăng rải rác, cục bộ, trong đó tăng cao nhất ở những nơi khan hiếm heo thịt. Hiện tại, mức giá cao nhất mà các thương lái miền Bắc trả giá là 53.000 đồng/kg, ghi nhận được ở Bắc Giang, Ninh Bình.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay ngày 8/7 tại các tỉnh phía Bắc nhìn chung không có nhiều biến động so với ngày trước đó. Trong tuần qua giá heo hơi tại các tỉnh phía Bắc liên tục tăng và hiện vài địa phương đang giữ được mức giá 52.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, giá lợn hơi loại đẹp hiện cũng đã lên tới mức 51.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với tháng 6. Tại địa bàn Hải Dương, Thanh Hoá thương lái cũng thu mua ở mức cao, đạt 52.000 đồng/kg; tại thủ phủ nuôi lợn miền Bắc là Hà Nam, giá heo hơi hôm nay đạt 50.000 đồng/kg
Trong đó, Bắc Giang và Ninh Bình là các tỉnh đang giữ đỉnh toàn miền, hồi đầu tuần hai nơi này chỉ dao động từ 50.000 đồng/kg đến 51.000 đồng/kg nhưng đến cuối tuần đã tăng lên 53.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay toàn miền dao động từ 46.000 đồng/kg đến 53.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung
Trong tuần qua, các địa phương thuộc khu vực miền Trung cũng tăng nhẹ so với tuần trước. Mức giá cao nhất được ghi nhận là 52.000 đồng/kg tại Thanh Hóa, đầu tuần tỉnh này có giá dao động khoảng 50.000 đồng/kg.
Tuy nhiên các địa phương khác lại không có nhiều thay đổi, trong đó Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,... giá vẫn dao động từ 47.000 đồng/kg đến 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam
Cùng xu hướng ổn định giống miền Trung, tại các tỉnh phía Nam cũng không có nhiều thay đổi về giá bán. Hồi đầu tuần các tỉnh trọng điểm như Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương,... dao động từ 45.000 đồng/kg đến 47.000 đồng/kg thì đến cuối tuần cũng không có chênh lệch nhiều.
Đáng chú ý tại tỉnh Sóc Trăng giá heo vẫn đang ở mức thấp nhất toàn miền cả tuần qua và dao động dưới 45.000 đồng/kg.
Nếu giá cả vẫn giữ như hiện nay thì sau 4 tháng đầu tư chăm sóc đàn lợn thịt sẽ cho thu lãi hàng trăm triệu đồng, thêm vào đó lợn giống cũng cho thu nhập không kém. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tái lập đàn.
Đáng chú ý, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể khiến Việt Nam trở thành “bãi đáp” của hàng tạm nhập tái xuất với một số hàng thực phẩm, nông sản cũng như trở thành nơi trung chuyển nhằm lấy xuất xứ, để xuất khẩu đi thị trường khác.
Liên tiếp thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều xe tải vận chuyển lợn hơi, lợn giống và thịt lợn từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động lên ngành chăn nuôi Việt Nam. Theo ông, Mỹ đang xuất nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung sang Trung Quốc, nên đây có thể là nhóm hàng nước này cho vào “giỏ” đánh thuế cao.
“Nếu như vậy, Việt Nam có thể hưởng lợi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thậm chí thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ qua Việt Nam, rồi xuất vào Trung Quốc nhiều hơn”- ông Chính nói.