Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang đồng loạt giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống mức 51.000 đồng/kg.
Các địa phương như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang giữ ổn định so với hôm qua, hiện đạt mức giá 52.000 đồng/kg.
Còn tỉnh Lào Cai, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định được thu mua với mức giá thấp hơn 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 51.000 - 52.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 24/11/2023: Biến động 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ảnh: Mạnh Khang
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh giá heo hôm nay tăng 1.000 đồng/kg lên mức 50.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tỉnh Lâm Đồng đang ở mức giá cao nhất toàn miền 51.000 đồng/kg.
Cùng được thương lái thu mua với mức giá 50.000 đồng/kg là tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Còn heo hơi tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa đạt mức 49.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 49.000 - 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Tương tự miền Bắc, giá heo hôm nay tại miền Nam cũng giảm nhẹ so với hôm qua. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg xuống mức 50.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Tiền Giang, Cà Mau đạt mức giá 52.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Sóc Trăng, Bạc Liêu ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Còn tỉnh Bình Dương, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh được thu mua với mức giá 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 48.000 - 53.000 đồng/kg.
Nhiều người nuôi heo trắng tay, lâm cảnh nợ nần vì dịch bệnh
Đứng nhìn bầy heo 8 con lần lượt bị ném vào lửa, bà Bùi Thị Hy ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), không khỏi ngậm ngùi. Bà Hy nuôi heo đã hơn 20 năm, gần 10 năm trước, đàn heo gần trăm con bị dịch tai xanh, gia đình bà thua lỗ khoảng 500 triệu đồng đến nay chưa trả dứt. Sau một thời gian bỏ không chuồng, vài năm gần đây bà Hy mới dám gầy lại đàn heo.
Theo chủ nhà, đàn heo gần 60 con mỗi ngày tiền thức ăn hơn một triệu đồng. Gia đình bà Hy dự định sau khi xuất bán sẽ dành phí trả một phần nợ cũ, tiền thức ăn, con giống, còn lại trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con đang học năm nhất đại học.
Tuy nhiên, khi còn hơn một tháng nửa xuất chuồng, trên địa bàn bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, nhiều người nuôi phải bán tháo giá rẻ. Lo ngại dịch lây lan, bà Hy giục chồng mua thuốc tiêm ngừa nhưng vẫn không hiệu quả. Khoảng một tuần trước, đàn heo bắt đầu nhiễm bệnh bỏ ăn, gần 30 con sau đó phải bị tiêu hủy. Gia đình hiện chỉ biết hy vọng vào đàn heo còn lại gần 20 con, nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp, mọi thứ giờ đều không chắc chắn.
"Nợ cũ khoảng 300 triệu đồng, cộng thêm khoảng 100 triệu tổn thất lần này, chắc thời gian tới tui với ổng hết vốn liếng phải đi bán vé số nuôi con", bà Hy buồn rầu nói.
Cách đó 3 km, ông Lê Văn Hiếu có 7 con heo, tổng trọng lượng gần 400 kg cũng vừa bị tiêu hủy. Cầm trên tay biên nhận, ông Hiếu lý giải theo quy định nhà nước sẽ hỗ trợ cho người nuôi 38.000 đồng mỗi ký heo bị tiêu hủy. Hai vợ chồng ông làm bánh cốm bán, dành dụm tiền gầy dựng đàn heo. Sau dịch bệnh, gia đình chỉ còn lại 2 con nái, vụ này thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông thông tin, địa phương có truyền thống chăn nuôi heo, giai đoạn cao điểm đàn trên 55.000 con. Sau nhiều đợt dịch bệnh, hộ chăn nuôi thua lỗ số lượng đàn vì vậy giảm xuống còn khoảng 10.000 con.
Một tháng trước, dịch bệnh bắt đầu bùng phát chưa rõ nguồn lây, xã Xuân Đông là điểm nóng dịch khi có số ca nhiễm lớn, chiếm phân nửa số ca toàn tỉnh, phải công bố dịch hơn một tuần trước. Có hơn 1.000 con heo của 40 hộ dân bị tiêu hủy, người nuôi lo ngại bán tháo để giảm thiệt hại, nên hiện tổng đàn chỉ còn hơn 6.000 con. Địa phương này đang hỗ trợ người dân phun xịt khử trùng chuồng trại, thu gom nước thải hạn chế lây lan sang các khu vực khác.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, toàn tỉnh có tổng đàn heo 300.000 con. Ngoài các huyện Tân Phú Đông, Cai Lậy và thị xã Gò Công, hiện 8 huyện thị còn lại đều đã có dịch tổng số hơn 2.000 con, trong đó phân nửa đã được tiêu hủy.
Ngành thú y nhận định việc nhập heo, vật tư, nguồn nước bị nhiễm bệnh, heo chưa tiêm vaccine có thể là nguyên nhân gây bùng phát dịch. Để hạn chế lây lan, ngành thú y khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nên cho nhân viên ăn, ngủ tại chỗ, chủ trại nên lùa heo ra ngoài và để thương lái xem mua qua camera thay vì đến trực tiếp.