Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang đạt mức giá 52.000 đồng/kg.
Cùng được thương lái thu mua với mức 51.000 đồng/kg là tỉnh Hưng Yên, Hà Nam.
Còn các địa phương như Lào Cai, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định giá heo ở mức thấp hơn 50.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 22/11/2023: Giảm nhẹ, cao nhất vẫn đạt 53.000 đồng/kg. Ảnh: Nhân Nguyễn
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận giá heo hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 51.000 đồng/kg.
Các địa phương như Thanh Hóa, Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận đạt mức giá 50.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Khánh Hòa đang được thu mua với mức giá 49.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 49.000 - 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Trà Vinh giá heo hôm nay giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 49.000 đồng/kg. Còn tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 50.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Tiền Giang đạt mức giá 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Còn tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu ở mức giá thấp hơn 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi bán chui heo ốm, heo mắc bệnh
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, thời gian qua tại địa phương có tình trạng người chăn nuôi bán tháo heo ốm, heo mắc bệnh, gây nguy cơ phát tán mầm bệnh, làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng không được chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn phát hiện, báo cáo kịp thời.
Kết quả giám sát chủ động của các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cho thấy trong tổng số 105 mẫu giám sát bệnh dịch tả heo châu Phi tại 5 chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai, có đến 34 mẫu dương tính.
Đáng lo ngại là việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp heo, sản phẩm gia súc, gia cầm từ nước ngoài và các địa phương trong nước đang có dịch vào địa bàn tỉnh thông qua đường bộ, đường sông, đường sắt chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, tình trạng người dân không khai báo, bán chui heo ốm, heo bệnh đang gây khó khăn cho công tác chống dịch.
Để chủ động ngăn chặn, ứng phó hiệu quả với bệnh dịch tả heo châu Phi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã yêu cầu người đứng đầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn, Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về ngăn chặn, ứng phó với các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Các địa phương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền cấp xã kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tới tận cơ sở, hộ chăn nuôi và báo cáo ngay tình hình heo ốm, heo chết với lực lượng chức năng để nắm bắt thông tin, lấy mẫu xét nghiệm; không để xảy ra tình trạng giấu dịch hoặc chậm phát hiện dịch bệnh; thực hiện quản lý, xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi theo đúng quy định.
Các hộ chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp sinh học như rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng; không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ heo bệnh, heo nghi bị bệnh, các sản phẩm thịt heo bệnh; mua con giống rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua xử lý nhiệt...
Các trang trại, hộ chăn nuôi lớn, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học; khuyến khích tiêm vaccine phòng bệnh của đơn vị đã được cấp phép lưu hành; yêu cầu tất cả cán bộ, công nhân kỹ thuật phải thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý, sát trùng phương tiện, dụng cụ ra vào trang trại; có biện pháp ngăn chặn côn trùng; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, khu vực xung quanh; trên các tuyến đường trong và từ ngoài vào trang trại.
Khi có heo bệnh, nghi bị bệnh, người dân phải báo ngay chính quyền và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xác định nguyên nhân; không được bán chạy, giết mổ, vận chuyển đi nơi khác.
Các huyện, thị xã, thành phố thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, tổ kiểm soát cơ động (khi cần thiết); thực hiện kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm (nhất là heo) ra, vào hoặc đi qua địa bàn, xử lý vi phạm, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trái phép theo quy định...
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chủ trì, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y nắm bắt thường xuyên, kịp thời thông tin dịch bệnh từ hộ chăn nuôi, cơ sở, trang trại, cập nhật báo cáo ngay tình hình dịch bệnh để có chỉ đạo, biện pháp xử lý kịp thời; không để tình trạng người dân bán chạy heo ốm, heo bệnh gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.