Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 15/4/2018, trên cả nước có 10 nhà máy kết thúc vụ sản xuất: Nhà máy Nước Trong, Sơn Dương, Cao Bằng, Hòa Bình, Việt Đài, Nông Cống, Nghệ An, La Ngà, TTC - Tây Ninh, BHS – Tây Ninh.
Toàn bộ các nhà máy mía ép được hơn 11,7 triệu tấn mía, sản xuất được trên 1,1 triệu tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng hơn 1,1 triệu tấn, lượng đường tăng 146.389 tấn.
Lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15/4 là 680.969 tấn (Con số này đang tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại), cao hơn cùng kỳ năm trước 37.292 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/3-15/4 là 219.424 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 70.817 tấn.
Giá đường giảm mạnh, mỗi cân đường mất 5.000 đồng.
Giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Bắc giao động từ 11.000 - 12.000đ/kg, miền Trung Tây Nguyên giao động từ 10.500 – 11.000đ/kg, miền Nam giao động từ 11.200 - 11.800đ/kg, so với cùng kỳ năm trước thì giá đường năm nay giảm mạnh, giảm 5.000 - 5.500đ/kg (cùng kỳ năm ngoái giá đường 15.500 - 17.000đ/kg).
Cũng theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, giá mua mía tại ruộng khu vực miền Bắc 850.000 - 1.100.000 đồng/tấn, miền Trung - Tây Nguyên 800.000 - 900.000 đồng/tấn và miền Nam từ 800.000 - 950.000 đồng/tấn (với giá này, so với cùng kỳ năm trước thì giá mía khu vực miền Bắc không giảm, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam bị giảm mạnh từ 150.000 - 200.000đồng/tấn).
Lý giải về nguyên nhân khiến lượng đường tồn kho cao, ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho biết, thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì ngành mía đường Việt Nam còn vô số khó khăn, bất cập khác như: diện tích nhỏ lẻ, manh mún, cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất, chất lượng kém.
Trong khi đường trong nước ế ẩm, nhiều nhà máy sản xuất đường rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, ngành mía đường còn thêm trầy trật vì đường lậu, đường giả. Ông Hà Hữu Phái cho biết, ngành mía đường Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn đường lậu.