PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - ĐBQH đoàn Hà Nội đã trao đổi với báo chí.
- Thưa ông, bàn về giải pháp xử lý nợ xấu và nguồn tiền xử lý nợ xấu, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) khẳng định, quỹ dự trữ quốc gia là nguồn tiền duy nhất và khả thi nhất để xử lý nợ xấu hiện nay. Ông bình luận thế nào về quan điểm trên? Với lượng dự trữ ngoại hối hiện tại, liệu có đảm bảo an toàn cho nền tài chính khi đặt ra vấn đề dùng nguồn tiền này xử lý khoản nợ xấu đang ở mức trên 200.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD)?
Tôi không cho rằng nên dùng Quỹ dự trữ quốc gia hay bất kỳ nguồn nào từ ngân sách để xử lý nợ xấu của các NHTM cũng như để khắc phục hậu quả yếu kém của các DNNN.
Theo tôi biết, ở thời điểm hiện tại, Quỹ dự trự ngoại hối của chúng ta có thể vững vàng hơn nhiều thời điểm trước nhưng không phải vì như thế mà có thể tùy tiện sử dụng nguồn quỹ này vào mục đích xử lý hậu quả của các hoạt động kinh doanh thông thường.
GS.TS Hoàng Văn Cường, ứng cử viên ĐH Quốc hội khóa XIV |
Quỹ dự trữ quốc gia chỉ sử dụng xử lý những vấn đề cấp bách của quốc gia như ứng phó với thiên tai, lũ lụt hoặc dùng khi có những biến động bất thường cần tới sự can thiệp khẩn cấp của Nhà nước. Các ngân hàng chỉ được xem xét cứu trong trường hợp sự đổ vỡ của họ có nguy cơ gây lên một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, hoặc có nguy cơ gây lên một cuộc đổ vỡ liên hoàn, đe dọa tới an ninh tài chính quốc gia. Trường hợp đó, Quỹ dự trữ quốc gia có thể được xem xét điều động để đối phó khẩn cấp.
Còn với trường hợp xử lý nợ xấu do phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh thông thường của các NHTM thì không thể dùng quỹ hay tiền ngân sách để xử lý. Nợ xấu của các NHTM phải được xử lý bằng các biện pháp kinh tế thông thường theo nguyên tắc của thị trường.
- Ngay từ đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu, các chuyên gia đã chỉ rõ, không thể để nhà nước (hay thực chất là tiền thuế của dân) gánh thay rủi ro của các ngân hàng thương mại, đặc biệt, ngân hàng thương mại đã được tạo điều kiện để xử lý nợ xấu bằng hoạt động của VAMC nhưng các ngân hàng thương mại đã không làm nghiêm túc, khiến cho nợ xấu vẫn không thay đổi. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không và tại sao?
Như tôi đã nói, quan điểm của tôi là không đồng ý sử dụng ngân sách hay bất kỳ nguồn quỹ dự trữ nào của quốc gia để xử lý nợ xấu cho các NHTM hoặc các tổ chức doanh nghiệp chỉ vì làm ăn, kinh doanh thua lỗ.
Vấn đề này, theo tôi đã có rất nhiều người nói kỹ rồi, tiền đổ vào đầu tư cho DNNN, DNNN làm ăn thua lỗ, mất vốn lại quay sang kêu cứu. Và cứ kêu lại được cứu là tiền lệ rất xấu.
Nợ xấu phải được mua bán lại thông qua các tổ chức mua bán nợ như VAMC và các NHTM phải chấp nhận chịu bù lỗ bằng các nguồn trích lập quỹ dự phòng rủi ro.
Ngân sách không được đem ra để bù lỗ cho các hoạt động kém hiệu quả của các NHTM hay các DNNN.
- Cũng có ý kiến cho rằng, nếu dùng tiền tươi xóa sạch nợ xấu mà không chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng thương mại thì nợ xấu vẫn tiếp tục nảy sinh. Sẽ ra sao khi nợ xấu được xóa nhưng nguồn gốc gây nên nợ xấu không được giải quyết, thưa ông?
Tôi cho rằng cần phải hiểu rất rõ, nguồn gốc nợ xấu là do công tác quản trị doanh nghiệp yếu kém cũng như vấn đề thẩm định, quản lý nguồn vốn vay yếu kém, hoạt động không hiệu quả tại các NHTM không tốt, không chặt chẽ.
Như vậy, muốn xóa được nợ xấu, cùng với việc tự trích quỹ xử lý nợ xấu bản thân các ngân hàng phải tự đổi mới, nâng cao trình độ quản trị, khắc phục yếu kém bằng cách thay đổi phương thức hoạt động, tự điều chỉnh các hoạt động điều hành quản lý cho linh hoạt, chặt chẽ.
Khi năng lực ngân hàng cũng như doanh nghiệp được nâng lên, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn tự nhiên nợ xấu sẽ giảm đi.
Trong trường hợp, DNNN hoặc NHTM làm ăn thua lỗ, gây mất vốn, không có đủ nguồn quỹ dự phòng để bù đắp thì cần phải xem xét trách nhiệm của những người quản lý điều hành các đơn vị này.
Về mặt quản lý DNNN nếu để lỗ triền miên nhiều năm người giám đốc phải chịu trách nhiệm. Tương tự với NHTM cũng vậy.