Thông tin mới đăng tải từ Bộ Công Thương cho thấy, vào cuối năm 2016, Việt Nam đã chính thức lọt vào Top 10 thị trường lớn nhất thế giới xét về dung lượng bia tiêu thụ. Theo tính toán, năm 2017, thị trường bia Việt Nam sẽ cán mốc tiêu thụ 4 tỷ lít.
Trong năm 2016, sản lượng bia các loại của cả nước đạt 3,786 tỷ lít, tăng 9,3% so với năm 2015. Tính trung bình mỗi người dân Việt tiêu thụ khoảng 42 lít bia mỗi năm, tăng khoảng 4 lít so với năm ngoái.
Trong số hơn 3,7 tỷ lít, Sabeco đóng góp 1,640 tỷ lít, tăng 7,4% so với năm trước, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đạt 717,4 triệu lít, tăng 2,1%.
Riêng khối DN có vốn đầu tư nước ngoài gồm: Heineken, Carlsberg và một số thương hiệu khác đạt 1,428 tỷ lít, tăng 15,7% so với năm 2015.
Với thị phần về sản lượng đạt khoảng 40%, Sabeco hiện đang đứng ở vị thế số 1 tại thị trường Việt Nam. Tổng doanh thu năm 2016 của Sabeco đạt 31.754 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và vượt 11% kế hoạch.
Tuy nhiên, Sabeco cũng đứng trước thách thức cạnh tranh khi phải chịu rủi ro từ chính sách của Nhà nước đối với ngành bia, rượu, trong đó việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5%, lên mức 60% từ đầu năm 2017 (trong lộ trình tăng thuế lên 65% đến năm 2018) và các chính sách hạn chế tiêu dùng, lạm dụng bia rượu... Bên cạnh đó, các xu hướng mới về sản phẩm bia và việc thay đổi thị hiếu tiêu dung.
Giới phân tích cho rằng, thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ và thu nhập tăng. Với dân số có tuổi trung bình là 30 tuổi và kinh tế tăng trưởng mạnh, dự báo, sản lượng ngành bia Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng 4% - 5%/ năm.
Với mức tiêu thụ hàng tỷ lít bia mỗi năm, Việt Nam trong vài năm trở lại đây vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á.
Theo cơ quan nghiên cứu ngành bia Canadean, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản tại châu Á, với mức tăng trưởng kép hàng năm trong 10 năm qua là 6,4%.