Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc quay đầu tăng mạnh. Cụ thể, tại Hà Nội giá heo tăng mạnh 6.000 đồng/kg lên mức 92.000 đồng/kg. Tại tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên giá heo đồng loạt tăng 4.000 đồng/kg lên 87.000 đồng/kg. Còn tại Hưng Yên, Nam Định, Hà nam giá heo tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên mức 90.000 đồng/kg. Tại tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ giá heo hôm nay cũng tăng 1.000 đồng/kg lên lần lượt là 87.000 đồng/kg và 86.000 đồng/kg. Tại Thái Bình giá heo ở mức 90.000 đồng/kg. Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình giá heo được thu mua từ 83.000 - 86.000 đồng/kg.
Tại miền Trung - Tây Nguyên, giá heo ở Bình Định báo tăng mạnh 8.000 đồng/kg lên mức 80.000 đồng/kg. Quảng Nam tăng 6.000 đồng/kg lên 78.000 đồng/kg. Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An giá heo được thu mua với mức cao 90.000 đồng/kg. Các địa phương như Đak Lak, Quảng Bình, Huế, Quảng Trị, Lâm Đồng giá heo dao động từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. Còn tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận giá heo đang ở mức thấp hơn 70.000 đồng/kg.
Tương tự với 2 miền trên, giá heo hôm nay tại miền Nam tăng mạnh so với hôm qua. Cụ thể, tại Long An giá heo báo tăng mạnh 5.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giá heo báo tăng 4.000 đồng/kg lên mức 84.000 đồng/kg. TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh cùng tăng 3.000 đồng/kg lên 78.000 đồng/kg. Tiền Giang tăng 2.000 đồng/kg lên 82.000 đồng/kg. Tại Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bến Tre giá heo đang ở mức 85.000 đồng/kg.
Dự báo giá heo hơi ngày mai 13/3: Tiếp tục tăng mạnh?
Ngày 11/3, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản báo cáo Thủ tướng về tình hình nguồn cung và kiểm soát giá thịt heo.
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có 98,7% số xã có bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) đã qua 30 ngày. Hiện cả nước chỉ còn 109 xã (chiếm 1,3% tổng số xã có dịch) của 24 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày và từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch ASF làm 20.177 con heo bị mắc bệnh và tiêu hủy.
Về tình hình tái đàn heo, đến ngày 10/3, tổng đàn heo của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn heo trước khi có bệnh ASF (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).
Trong đó đàn nái còn 2,7 triệu con, các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư giữ đàn heo cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109.000 con (90%) chưa bị dịch bệnh, do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn heo.
Theo Bộ NN&PTNT, ngay từ tháng 7/2019 bộ đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp với tất cả 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, điển hình như Công ty CP Việt Nam, Công ty Dabaco…. để chỉ đạo việc tăng đàn, giảm giá bán thịt heo.
Sau khi dịch qua đỉnh điểm vào tháng 5/2019, việc tái đàn đã được triển khai ngay tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn heo cần khoảng 5-7 tháng. Do đó, từ tháng 1 đã có sản phẩm của heo nuôi tái đàn với tổng đàn heo hiện tại gần 24 triệu con.
Nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công (như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai...) khẳng định việc nuôi tái đàn đã có kết quả, lượng thịt heo đủ cung ứng cho nhu cầu của các địa phương, thậm chí có thể cung cấp cho cả các địa phương xung quanh.
Dự báo sẽ tăng cao từ tháng 3 và nguồn cung thịt heo cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh).
Về nhập khẩu thịt heo, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 2/2020, nhập khẩu hơn 13.816 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019.