Theo đó, giá cua gạch son được thương lái thu mua quanh mức 350.000 - 360.000 đồng/kg; cua thịt loại một có giá 320.000 đồng/kg (2 - 3 con /kg); cua cái so loại 4 - 5 con/kg có giá từ 230.000 đến 250.000 đồng/kg, tăng bình quân 60.000 đồng/kg so với cách đây 2 tuần.
Theo một số đại lý thu mua cua biển thương phẩm, nguyên nhân cua tăng giá là do mùa vụ nuôi cua biển ở Trà Vinh đang vào thời điểm hết mùa vụ. Hiện nông dân ở các huyện vùng ven biển của tỉnh Trà Vinh, như Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải chỉ mới bắt đầu thả nuôi cua biển mùa vụ 2021.
Lượng cua biển hiện được cung ứng cho thị trường được khai thác từ các diện tích nuôi thủy sản quảng canh và từ lượng cua sót lại trong ao nuôi mùa vụ 2020.
Cua biển tăng giá, người nuôi phấn khởi.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cua biển Trà Vinh có thời điểm trượt giá "không phanh". Đặc biệt, có lúc thương lái ngưng thu mua cua thương phẩm do thị trường truyền thống Trung Quốc bị "đóng băng". Từ đó, khiến cho nhiều hộ nuôi cua ở vùng đất cực Nam tổ quốc "đứng ngồi không yên".
Thời gian gần đây, giá cua biển tăng trở lại do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, việc giao thương trở lại bình thường.
Ông Trương Văn Bảy (trú tại ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) vừa thu hoạch 300 con cua biển bán giá cua xô 280.000 đồng/kg. Đây là lượng cua biển còn sót lại từ dịp tết Nguyên đán, ông Bảy thu hoạch để cải tạo lại ao nuôi cho mùa vụ mới.
"Giá cua biển như hiện tại là lần đầu tiên đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm. Nhiều năm qua, giá cua thịt bán xô chỉ ở mức bình quân từ 150.000 - 160.000 đồng/kg. Với mức giá cua biển này, người nuôi cua 3 vụ /năm đạt lợi nhuận 150 triệu đồng/ha mặt nước. Nếu so sánh với nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, lợi nhuận từ nuôi cua biển đem lại tương đương, nhưng có ưu thế về tính an toàn hơn so với với nuôi tôm không có đủ điều kiện an toàn kỹ thuật dễ gặp nhiều rủi ro dịch bệnh" - ông Bảy cho biết.
Phó Chi Cục Trưởng Chi cục Thuỷ sản Trà Vinh Nguyễn Văn Quốc nhận xét, tuy tình hình nuôi trồng thủy sản của tỉnh tại vùng nước mặn và lợ năm 2020 gặp nhiều bất lợi do thời tiết khô hạn, môi trường nước độ mặn tăng cao nhưng nghề nuôi cua biển vẫn cho hiệu quả bền vững. Nhờ cua biển dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, rất ít xảy ra dịch bệnh nên mỗi năm có thể nuôi từ 2 - 3 vụ cua biển (tùy theo vùng nuôi). Điều này giúp người nuôi cua có được nguồn thu nhập khá cao.
Nhiều năm nay, nông dân ở các vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh đã chọn cua biển làm con nuôi chủ lực để thay thế cho 1 hoặc 2 vụ nuôi tôm, nhằm hạn chế sự rủi ro việc nuôi tôm 3 vụ trong năm. Do đó, diện tích nuôi cua không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2020, diện tích nuôi cua biển của tỉnh tăng lên 23.000 ha, cao hơn những năm trước 5.000 - 7.000 ha. Tổng sản lượng cua biển nuôi trong tỉnh thu hoạch được trên 71.000 tấn.