Nhiều tiểu thương cho biết, năm nay do dịch bệnh liên tiếp nên sức mua không nhiều. Nhất là trong mấy ngày qua, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, thị trường mua bán không sôi động như những năm trước, lượng người mua ít hẳn.
Ngày 3/2 (tức 22 tháng Chạp), Chợ Bến Thành (Quận 1) vẫn đìu hiu, vắng khách dù chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2021.
Chị Lê Thị Hồng Thu tiểu thương ở chợ cho hay, thu nhập chủ yếu của chị là nhờ bán đồ lưu niệm cho khách du lịch nước ngoài, còn những ngày giáp Tết thì bán ly tách mới cho người dân thành phố.
Theo chị Thu, những năm trước khi chưa có Covid-19, cứ tới gần Tết các gian hàng lại nhộn nhịp, khách ra vào nườm nượp. Thời điểm đó, mỗi ngày cửa hàng của chị tiếp khoảng 40 lượt khách. Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng Chạp khách đặt hàng liên tục, trung bình một ngày chị bán cho các nhà hàng, khách sạn từ 20-30 bộ ấm chén, chén dĩa.
Nhưng từ khi Covid-19 bùng phát trở lại, cả ngày cửa hàng chị không có khách nào ghé hỏi mua, đơn đặt hàng chủ yếu là khách quen.
"Dịch bệnh thế này chợ ế lắm em ơi. Khách du lịch ít, người dân lại hạn chế ra đường. Những năm còn có khách tây, năm nay chẳng có ai ... sáng giờ chị vẫn chưa mở hàng", chị Thu nói.
Cùng cảnh ngộ, chị Ngọc Lan (tiểu thương bán bánh kẹo, mứt) ở chợ Bến Thành cho hay, tiểu thương cả năm buôn bán trông vào mấy ngày Tết. Những năm trước người mua bánh kẹo, mứt hàng năm rất đông, bán không ngơi tay, nhưng năm nay vì dịch bệnh nên bán ế.
Dịch bệnh bùng phát khiến cho các gian hàng bánh kẹo chợ Bến Thành vắng khách.
"Bán bánh kẹo ở chợ này cả năm trông vào mấy ngày Tết thôi, những năm tới Tết ông Công, ông Táo là người mua đông lắm rồi, năm nay không có khách mua, bán chẳng có lời em ạ", chị Lan chia sẻ.
Chợ đầu mối hoa Hồ Thị Kỷ (Quận 10) khá hơn chợ Bến Thành, khách ghé mua khá đông do nhu cầu hoa tươi ngày Tết rất lớn. Tuy nhiên, theo một số hộ kinh doanh hoa ở chợ này cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở Hải Dương, Quảng Ninh thì sức mua hoa giảm, nguồn hoa từ Bắc chuyển vào chậm lại, nhiều chuyến hàng không về kịp.
Anh Lê Công, chủ một cửa hàng tại chợ cho hay, gia đình anh bán hoa tươi lấy từ chợ Gò Vấp, nhập từ Đà Lạt và ngoài Bắc.
"Thời điểm này những năm trước chợ đông hơn, năm nay dịch bệnh hoa đào ngoài Bắc không kịp chuyển vào, giá một số loại hoa như ly, tú cầu ngày thường bán 70-250 nghìn đồng/bó, năm nay có loại giảm xuống 50 nghìn đồng/bó nhưng tôi vẫn lo ế, Tết này chắc thất thu", anh Công nói.
Gia đình có truyền thống bán hoa hơn 25 năm tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (35 tuổi, ngụ Q.10) cho biết chưa năm nào vợ chồng chị gặp phải tình cảnh như năm nay. “Sạp hoa của tôi chuyên bán các loại hoa vạn thọ, ngoài ra cũng có bán một số loại hoa khác. Thường vào thời điểm này năm ngoái, khách lại mua đông lắm, chưa kịp đem từ xe xuống là khách đã lựa hoa trên xe tải luôn rồi, để kiếm được hoa cho ngày 23 tháng Chạp cũng như chưng cho ngày Tết luôn”, chị Lan nhớ lại.
Giá một số loại hoa đã giảm nhưng nhiều tiểu thương chợ Hồ Thị Kỷ vẫn lo ế hàng dịp Tết.
Tuy nhiên, thời điểm này khách đến cửa hàng chị mua hoa rất thưa thớt khiến vợ chồng chị lo lắng. “Bây giờ tôi vẫn nhập hoa với số lượng lớn, vì mối “ruột” ở quê người ta trông nhiều, giờ không bán giúp thì cũng tội cho họ. Tuy nhiên mấy nay có bán được bao nhiêu đâu, hoa này không để được lâu nên lỡ “ế” là vứt đi chứ không biết phải làm sao”, chị rầu rĩ.
Chị Lan cho biết hiện tại, giá của mỗi bó cúc vạn thọ chị bán là từ 50.000 đồng. Anh Nguyễn Quốc Châu (38 tuổi, chồng chị Lan) vừa bó hoa vừa cười nói: “Tùy vào tình hình vào những ngày tới mà tôi có sự tăng giảm sao cho phù hợp, chỉ mong năm nay có chút tiền ăn Tết”.
Khác những chợ đầu mối trên, tại chợ Soái Kình Lâm (Quận 5) - chợ vải lớn nhất TP Hồ Chí Minh, những ngày tiểu thương kinh doanh ở chợ vẫn tất bật lo cho vụ Tết. Những cuộn vải liên tục vận chuyển đi cho kịp các nơi đặt mua, may áo dài, khăn trải bàn, rèm cửa…
Anh Tùng, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp vải may áo dài tại chợ cho biết, gần Tết đơn đặt hàng nhiều hơn, phần lớn các tiểu thương ở chợ này bán buôn nên hầu như không ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những cửa hàng bán lẻ thì có giảm đôi chút vì khách vắng hơn do người dân hạn chế ra đường và du lịch.
Chị Nguyễn Bích Huyền, chủ quầy hoa quả chợ Nguyễn Tri Phương cho hay "Những năm trước, khách quen gọi điện đặt hàng làm lễ, khách tới sạp mua lễ cũng đếm không xuể, còn năm nay khách tới mua hàng chỉ lác đác vài người. Hy vọng tới đúng ngày 23 Âm lịch, tình hình buôn bán sẽ khá hơn".
Vàng mã cũng ế ẩm dịp cận Tết.
Chung cảnh ngộ, ông Dương Thanh Tùng, chủ sạp bán vàng mã tại chợ Vườn Chuối cho biết, một phần vì năm nay lễ cúng ông Công, ông Táo diễn ra vào ngày trong tuần nên nhiều khách không tới chợ mua hàng được. Bên cạnh đó, vì dịch bệnh nên mọi người cũng ngại tới nơi đông người.
Đại diện Chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức cho biết, vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên năm nay nhiều tiểu thương không dám trữ hàng.
"Năm ngoái, từ ngày 20 âm lịch trở đi tiểu thương họ đặt hàng, trữ hàng trực tiếp ở các nhà vườn rồi đưa lên bán dần. Năm nay vì dịch bệnh nên tiểu thương họ không dám xuống tiền, chỉ nhập về chợ từng ít một bán hết tới đâu thì nhập về tới đó" - Đại diện Chợ Đầu mối Nông sản Thủ Đức cho hay.