Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 1989/QĐ-BCT công bố kết quả rà soát lần thứ nhất về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Theo Bộ Công Thương, sẽ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp từ 18/8 tới đây đối với nhóm Công ty Mitr Sugar Corp., Ltd và 4 công ty liên kết; nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết, và Công ty Czarnikow Group Limited.
Các nhóm hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được phân loại theo mã HS: 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90 và 1702.90.91.
Mức thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm của nhóm Công ty Mitr Sugar Corp., Ltd, Công ty Czarnikow Group Limited.và 4 công ty liên kết là 32,75%. Mức thuế này đối với nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết là 25,73%.
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn người lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Mức thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm của nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết là 4,65%. Riêng nhóm Công ty Mitr Sugar Corp., Ltd, Công ty Czarnikow Group Limited. và 4 công ty liên kết do biên độ trợ cấp được xác định là dưới 2% nên không áp dụng mức thuế này.
Bộ Công Thương cho biết, quyết định đánh thuế kể trên sẽ được áp dụng chính thức từ 18/8/2023 đến 15/6/2026 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ Công Thương).
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Quyết định nêu rõ, các loại đường mía nhập khẩu thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp chính thức là 5 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quyết định khác của Bộ Công Thương).
Liên quan đến việc áp thuế đối với đường mía từ Thái Lan, ngày 20/8/2020, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của 6 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 477/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.
Đến ngày 12/5/2021, Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương (Cơ quan điều tra) đã tổ chức buổi tham vấn công khai (dưới hình thức trực tuyến) để lắng nghe ý kiến của tất cả các bên có liên quan.
Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra vụ việc đã xác định, có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra (sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan), khiến ngành sản xuất ở trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.