Thứ 5, 21/11/2024, 23:56 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Chuỗi cung ứng mía đường cần phải được minh bạch hơn

Chuỗi cung ứng mía đường cần phải được minh bạch hơn
(Tieudung.vn) - Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự hội thảo Hướng tới phát triển bền vững mía đường Việt Nam được Forest Trends tổ chức ngày 21/1 theo hình thức trực tuyến.

Với diện tích trồng mía hiện tại khoảng 151.000 ha, tương ứng sản lượng khoảng 7,66 triệu tấn mía và 0,77 triệu tấn đường, Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á (sau Thái Lan, Indonesia, Philippines) và thứ 15 trên thế giới về diện tích trồng mía. Khâu sản xuất mía là khâu đầu tiên của chuỗi cung ứng, với sự tham gia chủ yếu khoảng trên 126.000 nông hộ ở nhiều vùng trên cả nước. Tuy nhiên, ngành mía đường vẫn còn những nút thắt cần phải được tháo gỡ.

Chuỗi cung ứng mía đường cần phải được minh bạch hơn

Người dân trồng mía vẫn không biết và không thể quyết định chất lượng mía của chính mình trồng ra

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu của tổ chức Forest Trends cho biết, ngành mía đường Việt Nam hiện đang giảm mạnh về quy mô diện tích trồng mía giảm từ hơn 274.000ha trong vụ 2016-2017 xuống còn gần 151.000ha hiện nay. Số nông hộ tham gia trồng mía giảm từ 219.500 hộ xuống 126.000 hộ; số nhà máy giảm từ 38 xuống còn 29; sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 770.000 tấn trong cùng giai đoạn.

Nguồn cung không đủ cầu, đòi hỏi hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng đường lớn để bù lượng thiếu hụt. Lượng nhập ngày càng tăng: Năm 2020 lượng nhập tăng gần 340% so với 2019. Suy giảm của ngành mía đường trong thời gian gần đây được cho là do năng lực cạnh tranh của ngành thấp, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định ATIGA từ năm 2019. Cụ thể, sản xuất trong nước hiện đang phải cạnh tranh khốc liệt với đường nhập khẩu, đặc biệt kể từ khi Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), theo đó thuế nhập khẩu đường nhập khẩu vào Việt Nam giảm xuống còn 0-5% theo từng mặt hàng cụ thể bắt đầu từ 1/1/2020.

Mặc dù Việt Nam đang áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập từ Thái Lan (47,64%), mức thuế này có thể sẽ tạo động lực cho việc mở rộng nhập khẩu lậu – vấn nạn đã hình thành từ lâu nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để và trong tương lai xa không khuyến khích được ngành mía đường có những thay đổi đột phá nằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Sản xuất trong nước bị thu hẹp. Thêm vào đó, chuỗi cung nội địa hiện tồn tại một số bất cập. Về khía cạnh lợi ích giữa các khâu trong chuỗi, cạnh tranh giữa các nhà máy, và đặc biệt trong liên kết giữa hộ trồng mía và nhà máy chế biến. Theo Báo cáo về Chuỗi cung ứng ngành mía đường - Thực trạng và một số khía cạnh phát triển bền vững, sự suy giảm về quy mô của ngành còn phải kể đến một số yếu tố nội tại của ngành là nguyên nhân dẫn đến chuỗi cung không bền vững.

Ông Hồ Thành Biên, một người trồng mía ở Tây Ninh chia sẻ, hiện nay chúng tôi không biết và không thể quyết định chất lượng mía của chính mình trồng ra, đây là một thiệt thòi lớn của người trồng mía chúng tôi. “Cần phải có một tổ chức độc lập để đánh giá trữ lượng đường trong mía, có như vậy mới khách quan và không thiệt thòi cho ngừi dân.” Ông Biên đề nghị.

TS. Nguyễn Vinh Quang, đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện cho rằng, người trồng mía, chủ yếu là các hộ gia đình, đóng vai trò chủ đạo ở đầu chuỗi cung, cung phần lớn lượng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, vai trò, vị thế và đặc biệt là lợi ích của hộ dân thu được từ việc tham gia chuỗi là nhỏ nhất so với các nhóm khác.

Mía nguyên liệu sản xuất từ các hộ được chuyển tới các nhà máy chế biến đường thông qua các đơn vị vận chuyển hoặc thương lái. Sản phẩm cuối cùng của chuỗi là đường sau đó sản phẩm đường được đưa vào tiêu thụ tại nội địa. Tuy nhiên, lượng cung trong nước hiện không đủ đáp ứng cầu và được bù đắp bằng lượng nhập khẩu. Trong giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2- 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30-90% trong tổng lượng nhập khẩu, tùy theo từng năm; phần còn lại (10-70%) là đường nhập lậu. Đường nhập khẩu cả chính ngạch và nhập lậu chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, được nhập vào Việt Nam thông qua đường bộ từ Campuchia và Lào.

Chuỗi cung ứng mía đường cần phải được minh bạch hơn

Nông dân thu hoạch mía

Tuy nhiên, vai trò, vị thế và đặc biệt là lợi ích của hộ thu được từ việc tham gia chuỗi là nhỏ nhất so với các nhóm khác tham gia chuỗi. Hộ tham gia liên kết, cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tuy nhiên trong liên kết này, các nhà máy luôn ở thế tay trên, là người đưa ra quyết định về chất lượng mía và giá mía nguyên liệu. Hộ hầu như không có tiếng nói trong việc hình thành các quyết định này. Khâu thu mua mía nguyên liệu đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy, thường là có sự cấu kết với các thương lái mía. là các hợp đồng liên kết giữa hộ và các nhà máy bị phá vỡ, nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy không đảm bảo, tạo ra sự mất lòng tin giữa các bên tham gia liên kết. Các bên liên quan như chính quyền địa phương, Hiệp Hội Mía đường Việt Nam và Hội Nông Dân Việt Nam có tiềm năng trong việc giải quyết các tồn tại nêu trên, tuy nhiên đến nay hầu như các cơ quan và tổ chức này vẫn chưa thực sự vào cuộc. Ngoài ra, chi phí sản xuất, chế biến và quản lý sản xuất của ngành mía Việt Nam hiện cao hơn Thái Lan ở các mức tương ứng là 30%, 183,4% và 52,9%. Các yếu tố nội tại này hiện đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh và tính cạnh tranh của ngành.

Các kiến nghị chính nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành mía trong tương lai bao gồm:

Thứ nhất, Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60-70%, còn lại (30-40%) là của các nhà máy chế biến.

Thứ hai, nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất. Điều này có thể đạt được bằng việc xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa các nhà máy đường và các hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất cũng cần đảm bảo năng suất và chất lượng mía của Việt Nam hiện còn tương đối thấp tiệm cận với mức của thế giới.

Thứ ba, nâng cao sức cạnh tranh trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cần có các cơ chế hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy và trong hệ thống thương lái như hiện nay. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cơ chế này. Thực hiện cơ chế hiệu quả đòi hỏi sự tham gia và giám sát của bên thứ ba và chế tài xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp không tuân thủ. Nâng cao sức cạnh tranh trong khâu chế biến cũng đòi hỏi việc nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm phụ của ngành. Bên cạnh đó, khâu tiêu thụ hiện nay đang chiếm tỷ trọng lớn về lợi nhuận thu được trong chuỗi. Cần có những điều chỉnh hiệu quả thông qua chính sách đặc thù về chuỗi cung nhằm cơ cấu lại tỷ trọng chia sẻ lợi ích cho các bên khi tham gia chuỗi theo hướng cân bằng hơn.

Thứ tư, tăng cường kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là đối với luồng cung nhập lậu. Hội nhập với các rào cản về thuế được xóa bỏ đem lại lợi ích trực tiếp cho trong việc tiếp cận với các sản phẩm đường giá cạnh tranh. Hội nhập cũng tạo ra sức ép phải thay đổi đối với sản xuất trong nước, nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản xuất và chế biến nội địa. Tuy nhiên, luồng đường nhập lậu với quy mô lớn, trong thời gian dài và tồn tại cho đến nay cho thấy sự yếu kém của hệ thống quản lý, đặc biệt là cấp địa phương trong việc giải quyết tình trạng này. Luồng cung nhập lậu ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh của ngành. Quy mô của luồng cung nhập lậu có thể tăng trong tương lai. Cần có các cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hơn, cả ở cấp trung ương và địa phương nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này trong tương lai.

Thứ năm, đánh giá tổng thể, khách quan về lợi thế cạnh tranh của ngành, bao gồm cả sự cạnh tranh giữa cây mía và cây trồng khác có sử dụng cùng nguồn quỹ đất. Nếu ngành mía đường và cây mía không nâng được tính cạnh tranh về hiệu quả sử dụng đất, người dân trồng mía có thể thực hiện chuyển đổi sang các loại cây trồng khác và sự tồn tại của ngành có thể rất khó khăn trong tương lai. Đánh giá khách quan tổng thể về ngành sẽ cho phép xác định các điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và rủi ro của ngành, từ đó làm nền cho việc thảo luận cấp vĩ mô về tương lai của ngành.

Cuối cùng, hình thành tổ chức đại diện hiệu quả cho các hộ trồng mía. Các hộ trồng mía có vai trò sống còn đối với ngành, bởi họ đảm nhận gần như toàn bộ khâu cung mía nguyên liệu. Mặc dù đúng nhiệm vụ và chức năng, các tổ chức như Hiệp hội Mía đường Việt Nam hay Hội Nông dân Việt Nam hiện chưa hiệu quả trong việc đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các hộ trồng mía khi tham gia liên kết. Các tổ chức này cũng chưa thực sự kết nối các cơ chế chính sách của ngành cũng như thông tin thị trường đầu ra sản phẩm tới các hộ trồng mía. Hình thành mạng lưới hoặc liên minh kết nối các hộ trồng mía trong cả nước trong tương lai sẽ giúp nâng vị thế của các hộ trong chuỗi, giúp định vị lại mối quan hệ giữa hộ và các thành viên trong chuỗi cũng nhưng xác định lại tỷ trọng phân chia lợi ích giữa hộ và các bên tham gia chuỗi như hiện nay.

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.40770 sec| 821.008 kb