Mỹ áp thuế cao nhất trong lịch sử đối với cá tra Việt Nam |
Theo quyết định cuối cùng này của Mỹ, có 9 doanh nghiệp nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức dao động từ 3,87 USD/kg.
Những doanh nghiệp này gồm Godaco, Caseamex, Cuu Long Fish, Dai Thanh Seafoods, Green Farms, Hung Vuong Group, NTSF Seafoods, Southern Fishery, Vinh Quang Fisheries.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thuộc nhóm này, mức thuế quyết định cuối cùng của Mỹ cao gấp 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9-2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.
Chưa dừng lại ở đó, mức thuế chống bán phá giá còn được Mỹ áp cao ngất ngưỡng đối với hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods lên tới 7,74 USD/kg.
Đây là mức thuế cao nhất từ trước đến giờ, chưa từng xảy ra trong việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cho Việt Nam.
Mức thuế 7,74 USD/kg cao 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.
Với mức thuế này thì coi như cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang Mỹ vì hiện tại giá xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã là 4-5 USD/kg. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Godaco, cho rằng với mức thuế cao này thì coi như cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang Mỹ.
Mức thuế gần 4 USD/kg là bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, mức thuế gần 8 USD/kg cao gấp đôi giá xuất khẩu thì DN xuất khẩu ôm lỗ. Hiện tại công ty ông đã khai thác sang các thị trường khác như châu Âu, Trung Quốc…
Đại diện phía hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký cho biết trải qua 13 kỳ xem xét hành chính trong vụ kiện CBPG thì đây là lần đầu tiên DOC đã có những điều chỉnh hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý và bỏ qua các quy định thông thường từ trước đến nay khi đưa ra quyết định sơ bộ vừa qua.
Hiệp hội nhận thấy kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh vào thị trường Mỹ.
DOC đã dùng mức thuế tính theo AFAs để tính mức thuế trung bình cho các công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ khác trong khi các công ty này đã cung cấp đầy đủ hồ sơ dữ liệu theo đúng thời hạn và yêu cầu của DOC.
Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.
Hiệp hội VASEP thay mặt cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam phản đối quyết định thiếu công bằng của DOC trong quyết định của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 vừa được công bố.
'Mỹ là một đối tác chiến lược của Việt Nam, quan hệ hai nước đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong thời gian qua nhằm thúc đẩy tự do thương mại của hai quốc gia. Chúng tôi cho rằng quyết định này của DOC đi ngược lại tiến trình tự do thương mại đồng thời ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương Mỹ - Việt Nam", ông Trương Đình Hòe nói.
Trước đó, ngày 8-1-2018, Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu tới Mỹ để đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.