Bất động sản và Thép là những lĩnh vực đầu tư cần cân nhắc |
Năm 2018, TTCK Việt Nam tiếp tục được đánh giá có nhiều triển vọng tích cực. Tuy vậy, thị trường không hoàn toàn chỉ có màu xanh trong năm 2018, rủi ro vẫn còn với nhiều khu vực của thị trường. Cơ hội sẽ chỉ đến với các nhà đầu tư được chuẩn bị tốt về chủ đề đầu tư cho năm 2018.
1. Cơ hội từ Cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu lần đẩu ra công chúng và Niêm yết mới. Tính đến tháng 11/2017 mới chỉ có 22/44 doanh nghiệp được kỳ vọng cổ phần hóa trong năm 2017, như vậy số doanh nghiệp sẽ tiến hành cổ phần hóa bị đẩy qua năm 2018 tương đối lớn. Chính phủ cũng đưa ra thông điệp không để lộ trình cổ phần hóa dồn sang năm 2019-2020.
Theo Quyết định 991/TTg-ĐMDN, năm 2018 sẽ có những tên tuổi lớn tham gia cổ phần hóa là Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tổng công ty Phát điện 1 và 2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC… Các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ là cơ hội thu hút dòng tiền lớn từ NĐT trong và ngoài nước do hiện tại sau khi IPO, doanh nghiệp sẽ lên niêm yết trên Upcom trong 90 ngày nếu đủ điều kiện, tạo thanh khoản cho nhà đầu tư. Thêm vào đó, các công ty đại chúng đăng ký lên sàn Upcom hoặc chuyển sàn từ Upcom lên HNX, HSX cũng tiếp tục là xu hướng quan trọng. Nhóm này sẽ là động lực cho tăng trưởng bền vững của TTCK trong tương lai.
2. Cơ hội từ Thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành. Năm 2018 một số doanh nghiệp thoái vốn đáng lưu ý là PLX (dự kiến thoái tối thiểu 24,86%), ACV (dự kiến thoái tối thiểu 20%), DVN (thoái tối thiểu 29,98%), Lilama (thoái tối thiểu 46,88%), VGC (thoái tối thiểu 20,62%). Bên cạnh đó, danh mục thoái vốn của SCIC cũng sẽ thu hút sự quan tâm lớn là DMC, BMI, VCG, NTP, BMP, FPT, VGT…
Ngoài ra, BSC cũng lưu ý về thông tin Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinachem xuống 51-65%, đồng thời, Vinachem cũng có kế hoạch thoái vốn tại một số doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, trong đó, có các doanh nghiệp phân bón là BFC, SFG, VAF, DDV, DGC, PAC; cùng với đó PVN dự kiến thoái vốn DPM và DCM xuống 51% trong năm 2018.
3. Sự thay đổi thứ tự trong rổ VN30. Năm 2017 là năm đầu tiên chứng kiến việc đa số Nhà đầu tư không đạt mức sinh lợi như các chỉ số chính, dẫn đến dòng tiền mới chảy mạnh vào các quỹ chỉ số. Đây là cơ hội tốt đối với các quỹ đầu tư chỉ số, khởi đầu cho thời kỳ tăng trưởng dịch vụ quỹ, khi nhà đầu tư đã bắt đầu thực sự quan tâm. Cũng chính vì vậy các doanh nghiệp nằm trong các rổ chỉ số sẽ có ý nghĩa thực chất thu hút dòng tiền đầu tư.
Việc niêm yết mới/IPO/chuyển sàn của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành trong thời gian tới sẽ dẫn tới xáo trộn quan trọng trong thứ tự của rổ VN30 trong các kỳ đánh giá. Các cổ phiếu trong rổ VN30 không chỉ có tính đại diện cao về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ chuyển nhượng tự do cao mà còn có khả năng thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong năm 2018.
4. Ngân hàng dẫn sóng. Năm 2018, vốn hóa ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và có ảnh hưởng lớn tới VNIndex. Xu hướng nàyđược hỗ trờ từ (1) Làn sóng niêm yết của một loạt các Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (Techcombank, OCB, HDbank, TPbank, Maritimebank, Seabank, OCB, ABBbank, Saigonbank, Nam Á Bank, Việt Á Bank) và (2) Tiếp tục tăng vốn điều lệ/phát hành cho đối tác trong nước và (3) tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đáp ứng yêu cầu về vốn theo Basel II.
Ngoài ra, sự thay đổi về Chất bao gồm (1) Kỳ vọng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD yếu kém, (2) Tín dụng được dự báo tăng trưởng 17-19% trong năm 2018 và (3) Thông tư 19/2017/TT-NHNN về nới rộng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm 2018 từ mức 40% lên mức 45% kỳ vọng cải thiện NIM trong ngắn hạn, cũng góp phần cải thiện KQKD, thúc đẩy giá cổ phiếu Ngân hàng tạo lập đỉnh mới.
5. Bất động sản tiếp tục tăng trưởng theo phân khúc trung cấp và dòng tiền FDI. Thông tư 19/2017/TT-NHNN tạo thêm nguồn lực cho vay trung, dài hạn, qua đó tạo thêm động lực tăng trưởng cho nhóm Bất động sản, Xây dựng. BSC cho rằng các doanh nghiệp bất động sản phân khúc trung cấp – bình dân sẽ tăng trưởng tốt, KQKD của ngành bất động sản sẽ tiếp tục cải thiện chủ yếu nhờ vào (1) Xu hướng tăng của giá đất cơ sở, (2) Số lượng các căn hộ bàn giao năm 2018 dự kiến tăng khoảng 27,9% so với năm 2017.
Dự báo năm 2018 Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút lượng vốn FDI kỷ lục đi kèm với lượng khách du lịch bùng nổ. Bên cạnh nhóm ngành BĐS, các nhóm ngành khác như Du lịch, Hàng không, hạ tầng cũng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. BSC cho rằng đây là tín hiệu tích cực với tăng trưởng của nhóm BĐS khu công nghiệp.
6. Giá hàng hóa cơ bản tăng, điển hình như Dầu khí, Thép, cao su. BSC dự báo giá Dầu sẽ khó giảm sâu trong năm 2018, thay vào đó xu hướng ổn định và tăng nhẹ được hỗ trợ bởi (1) Cầu dầu thô đã bắt đầu vượt Cung từ Q2/2017, (2) OPEC và 11 nước ngoài OPEC đã ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1.8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017, thống nhất kéo dài thỏa thuận đến cuối năm 2018,(3) Diễn biến căng thẳng địa chính trị tại Ả rập Saudi chưa được giải quyết dứt điểm, (4) kế hoạch IPO Công ty dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco và (5) Sự cố đường ống tại Lybia và Biển Bắc cuối tháng 12/2017 gián đoạn nguồn cung ngắn hạn.
Do đó, cổ phiếu Dầu khí sẽ là sự lựa chọn phù hợp cho năm 2018 với những kỳ vọng từ việc tái cấu trúc PVN và khởi động lại các dự án tiềm năng (Cá Rồng Đỏ, Lô B Ô Môn, Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 2, Sao Vàng Đại Nguyệt, Cá Voi Xanh). Thêm vào đó, chính sách cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước thuộc PVN, cũng sẽ thúc đẩy nhanh việc cải thiện hiệu quả kinh doanh, và tăng quy mô hiện diện của ngành Dầu khí trên TTCK niêm yết.
Giá nguyên liệu Thép cũng được dự báo ổn định do ảnh hưởng từ các chính sách kiểm soát công nghiệp nặng của Trung Quốc. Thêm vào đó một số loại hàng hóa cơ bản như cau su, tungsten cũng đang có diễn biến giá tốt.