Nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu thông tin mua bán, sáp nhập doanh nghiệp VN |
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian trên số lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần lên đến 2.061 lượt, vượt xa số dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư (939 dự án mới trong 5 tháng đầu năm).
Điều này cho thấy, đầu tư thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần đang phản ánh khá rõ nét dòng vốn ngoại trong hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại thị trường Việt Nam cũng như xu hướng của nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường Việt Nam hiện nay.
Mặc dù cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài không cung cấp số liệu cụ thể về những nhà đầu tư, doanh nghiệp hay những thương vụ có yếu tố nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước, nhưng những chuyển động trên thị trường trong thời gian qua cho thấy là khá nhộn nhịp.
Theo giới quan sát, việc đầu tư góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài ở thị trường trong nước không còn giới hạn ở một số ngành nghề "nóng" như trước đây mà đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực, cả sản xuất và dịch vụ. Và những động thái này cho thấy nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đang đi theo hướng đầu tư vào hình thức mua cổ phần, góp vốn đang càng được nhân rộng.
Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn SCG (Thái Lan) sau hàng loạt thương vụ M&A quy mô lớn, gần đây tiếp tục mua lại 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) tại miền Trung, tương đương 156 triệu đô la Mỹ.
Hay mới đây nhất là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu thực phẩm đông lạnh hàng đầu Việt Nam là Cầu Tre vừa chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre vì CJ CheilJedang thuộc Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần nắm giữ tại Cầu Tre từ mức 51,6% cuối năm 2016 lên 71,6% vào tháng 5 vừa rồi.
Trong số 1,79 tỉ đô la Mỹ của 2.061 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, thì TPHCM có 775 lượt với tổng vốn góp đăng ký đạt 742,2 triệu đô la Mỹ. |
Đáng chú ý trong lĩnh vực bất động sản, các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước hoặc tham gia góp vốn cũng đang tăng cao. Cụ thể như Công ty TNHH Keppel Land (Keppel Land), đã mua toàn bộ vốn góp khoảng 16% cổ phần trong dự án cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại cao cấp Saigon Centre ở TPHCM của Tổng công ty Đường sông Miền Nam (Sowatco). Thương vụ trị giá 845,9 tỉ đồng này được Keppel Land thực hiện thông qua công ty thành viên là Krystal Investments Pte Ltd.
Các công ty tư vấn bất động sản quốc tế cũng nhận định năm 2017, M&A trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam sẽ tăng mạnh và có thể đạt mức kỷ lục. Theo quan sát của Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, có hàng tỉ đô la Mỹ đang chờ cơ hội rót vào thị trường địa ốc Việt Nam ở hầu hết các phân khúc nhưng tập trung hơn ở các dòng căn hộ, văn phòng, khách sạn, khu công nghiệp trung cấp và bình dân.
Trước đó, phân tích về sự bùng nổ của thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam (M&A) trong những năm gần đây, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách thức hiệu quả nhất để xâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Và xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm nay và cả năm tới.
Theo giới phân tích, nguyên nhân của việc gia tăng các giao dịch trên, là do Luật Đầu tư năm 2014 (có hiệu lực vào giữa năm 2015) đã làm rõ một số quy định không rõ ràng trước đó trong hoạt động M&A và đây là một sự thay đổi tích cực, được đánh giá cao và tạo sự yên tâm của nhà đầu tư.
Cụ thể, theo quy định của luật này, việc góp vốn, mua cổ phần sẽ không phải thực hiện đăng ký đầu tư như với các dự án đầu tư nước ngoài. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn phương thức đầu tư này, vừa không mất thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, vừa nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam.
Đáng chú ý, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP đã cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết và công ty đại chúng từ 49% lên 100%, trừ một số công ty hoạt động trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Và xu hướng này đang gặp nhiều điều kiện hỗ trợ, đặc biệt là chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ.
Do vậy, theo giới phân tích, hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.