Thứ 6, 22/11/2024, 08:34 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Xe 16 chỗ “lách luật” hoán cải thành xe 10 chỗ Limousine, xe VIP, xe DCar

Xe 16 chỗ “lách luật” hoán cải thành xe 10 chỗ Limousine, xe VIP, xe DCar
(Tieudung.vn) - Xe Limousine chở khách trá hình lách luật, trốn thuế chạy đầy đường Hà Nội, hoạt động chui rất khó xử lý vi phạm.

Thời gian gần đây, xe Limousine trá hình dưới hình thức xe hợp đồng hoạt động len lỏi khắp các tuyến phố nội đô Hà Nội để đón khách, gây không ít bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định tại các bến xe, làm lộn xộn giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông phải đóng giả xe ôm phát hiện, bắt giữ xử lý, nhưng cũng không xuể.

“Lách luật”

Rà soát của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây, lượng xe hợp đồng trá hình, chủ yếu là xe 16 chỗ “lách luật” hoán cải thành xe 10 chỗ (xe Limousine, xe VIP, xe DCar) tăng chóng mặt. Lợi dụng diện tích xe nhỏ, loại xe này có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách trong nội đô để đón khách liên tỉnh thay vì chạy tuyến như tuyến cố định. Tình trạng này gây áp lực nặng nề lên các tuyến phố và đang tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu thuế; đồng thời phát sinh tình trạng “xe dù, bến cóc”.

Riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã hóa trang đóng giả lái “xe ôm”, mật phục, phát hiện, bắt giữ và xử lý hàng nghìn trường hợp xe hợp đồng “trá hình” dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, trong đó chủ yếu là xe từ 16 chỗ chở xuống.

Tuy nhiên, tình trạng xe hợp đồng trá hình chạy sai luồng tuyến, đón trả khách sai quy định vẫn diễn biến phức tạp. Để có thể hoạt động, các nhà xe này thường thuê xe ôm theo dõi lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, khi thấy vắng bóng lực lượng chức năng tuần tra là thông báo cho lái xe hoạt động ngang nhiên.

Mặc dù đã xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm, nhưng đại diện Phòng CSGT Hà Nội thừa nhận việc xử lý xe hợp đồng trá hình hoạt động chui nếu chỉ riêng lực lượng CSGT thì rất khó xử lý, mà cần sự vào cuộc phối hợp tích cực của các lực lượng chức năng sở tại.

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, loại xe hợp đồng trá hình này lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ trong Thông tư số 63/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ để hoạt động.

Cụ thể, Thông tư 63 chỉ yêu cầu các “xe hợp đồng” từ 10 chỗ trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, phải thông báo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử tới Sở GTVT địa phương về điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình, thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách. “Lách luật” kiểu này, xe Limousine 10 chỗ không bị áp các quy định chặt chẽ về kinh doanh vận tải, đồng nghĩa với việc loại xe này được đặt ngoài vòng kiểm soát khi thực hiện những hợp đồng vận tải khách.

Ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, loại hình xe này nằm ngoài khung quy định, lại không thuộc diện bị cấm vào nội thành (hiện chỉ cấm xe trên 16 hoặc trên 24 chỗ). Họ chạy gần như xe khách tuyến cố định, nhưng lại núp bóng hợp đồng. Vì theo quy định, xe dưới 10 chỗ không phải thông tin về hợp đồng trước chuyến đi. Muốn xử phạt mà không biết quy chiếu vào đâu để bắt lỗi vi phạm.

Kiểm soát cải biến xe

Nhiều chuyên gia giao thông đồng quan điểm cần chặn xe hợp đồng lách luật bằng cách đưa loại xe từ 8 chỗ trở lên vào diện bắt buộc phải thông báo về hai đầu bến thông tin trước mỗi chuyến đi; đồng thời phải quy định cụ thể kích thước xe theo thiết kế nguyên thủy của phương tiện vì thiết kế nguyên thủy đã quy định rõ chiều dài, chiều rộng cơ sở, kích thước các trục.

Theo ông Nguyễn Tuyển, nếu kích thước xe nguyên thủy là xe 16 chỗ thì không thể biến thành xe dưới 10 chỗ, đây là điều kiện bắt buộc phải được đưa vào giấy chứng nhận đăng kiểm xe khi đi đăng kiểm.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng đề xuất, các địa phương cần quy định rõ, xe thiết kế nguyên thủy 16 chỗ mà hoán cải xuống dưới 10 chỗ sẽ cấm hoạt động đón trả khách. Vấn đề này cần gắn chặt trách nhiệm của các Sở GTVT khi cấp phù hiệu xe hợp đồng, trong quá trình lắp thiết bị giám sát hành trình và thông báo công khai danh sách xe hợp đồng được phép hoạt động. Rõ ràng, việc quy định giữ nguyên thủy xe theo thiết kế mới có thể ngăn được hoạt động trá hình.

Còn theo Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới của (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Ngô Hồng Hệ, trên giấy chứng nhận đăng kiểm hiện nay chỉ thể hiện số khách mà xe được phép chở khi tham gia giao thông, không thể hiện số lượng khách theo thiết kế xe nguyên thủy. Trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung vào giấy chứng nhận thông số kỹ thuật nguyên thủy không khó, nhưng phải sửa các quy định, mẫu giấy chứng nhận đăng kiểm.

Ở góc độ quản lý, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT) Đỗ Công Thủy khẳng định: Dự thảo thay thế Nghị định 86/CP tới đây sẽ quy định cụ thể, chặt chẽ các nội dung hợp đồng doanh nghiệp phải thông báo, tránh chung chung như Nghị định trước, trong đó hợp đồng vận tải phải thể hiện chi tiết lộ trình, địa chỉ khởi hành, nơi kết thúc chuyến đi. Khi thực hiện sẽ xây dựng phần mềm để kiểm soát việc thực hiện của doanh nghiệp.

 

Tags:
4.7 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.76817 sec| 778.391 kb