Một trong những điểm sạt lở ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Huy Mạnh. |
Mưa lớn liên tục mấy ngày qua gây ra lũ lớn và sạt lở đất ở nhiều nơi tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Lái xe trong mưa bão luôn chứa đựng những rủi ro có thể gây nguy hiểm tới tính mạng ai đó. Người điều khiển phương tiện giao thông thường được khuyến cáo không nên ra đường khi điều kiện thời tiết bất thường. Nếu không thể tránh, hãy tìm kiếm những hành trình an toàn nhất có thể.
Hòa Bình
Hiện có khoảng 20 điểm sạt lở dọc tỉnh lộ 433 từ thành phố Hòa Bình đến huyện Đà Bắc và chưa thông xe. Có điểm sạt lở kéo dài tới 100 m.
Một số xã vùng cao của huyện Đà Bắc, các xã Yên Bồng, Khoan Dụ huyện Lạc Thủy không tiếp cận được bằng đường bộ mà bằng đường thủy. Các tuyến quốc lộ 6, 21 đi qua tỉnh Hòa Bình bị sạt lở và ngập nhiều đoạn, một số tuyến tỉnh lộ bị ngập sâu 0,5 m gây ách tắc giao thông.
Quốc lộ 6 Hòa Bình tắc đường do ngập lụt tại ngã ba Tòng Đậu - Mai Châu.
Tỉnh lộ 433 chưa thông xe do sạt lở. Ảnh: Huy Mạnh.
Thanh Hóa
Nước đã rút trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn, nhưng hiện chỉ xe tải lớn, xe khách có thể lưu thông, xe con vẫn chưa thể đi qua khu vực ngập.
Nhiều tuyến quốc lộ khác qua Thanh Hóa còn bị ngập như quốc lộ 217B, 15, 15C. Trên quốc lộ 16 tại xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh có 3 vị trí sụt nền, mặt đường làm đứt đường, tắc giao thông.
Nghệ An
Quốc lộ 16 qua xã Đồng Văn, huyện Quế Phong bị đứt toàn bộ mặt đường dài 12 m, rộng 8 m, sâu 6 m, xói trôi toàn bộ cống, hệ thống lan can mềm; đơn vị quản lý đường phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Yên Bái
Tại Yên Bái, cầu Suối Thia tại Nghĩa Lộ bị lũ kéo sập. Hiện, huyện Trạm Tấu vẫn bị cô lập do con đường độc đạo từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện sạt lở taluy hàng trăm điểm.
Quốc lộ 32 tại khu vực đèo Khau Phạ bị sạt lở taluy làm tắc đường; đường Làng Sang - Ngọc Chiến thuộc địa phận xã Nậm Khắt bị sạt lở hai đoạn gây ách tắc.
Lúc này, đường từ Hà Nội lên Sơn La đang thông.