Nhiều bãi giữ xe hiện nay yêu cầu người gửi phải giao cả chìa khóa để thuận tiện việc di chuyển, đưa xe ra vào. Ảnh: Quỳnh Trần - Duy Trần. |
Trước hôm bắt đầu lái xe đi làm, Dũng liên hệ được với bảo vệ tòa nhà nơi anh làm việc và có được một chỗ đỗ. Chuyện có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế không đơn giản. Số lượng xe quá nhiều nên không phải ai cũng có được một chỗ "ngon nghẻ". Việc đi làm sớm và chỉ lấy xe khi hết giờ như Dũng có lợi thế không nhỏ khi có thể để xe một chỗ cố định.
Trong khi đó, những người đi muộn hơn, hoặc phải sử dụng xe trong giờ hành chính thường phải để ở những vị trí linh hoạt, nhiều khi phải gửi lại chìa cho bảo vệ để di chuyển xe lúc cần. Những hôm đột biến đông xe hơn bình thường, người chậm chân phải mang ra bãi ngoài và tính tiền theo giờ.
Khiến Dũng băn khoăn nhất là chuyện gửi xe tại nơi ở. Giá trông theo tháng từ 1,5 đến 2,4 triệu. Sự chênh lệch do mức độ thuận tiện mỗi nơi mang lại. Chỗ rẻ hơn, Dũng chỉ có thể gửi từ chiều tối đến sáng hôm sau. Chỗ đắt hơn có thể để xe cả ngày. Anh còn có lựa chọn thứ 3, là gửi xe theo tối với giá 50.000 đồng, tính tổng cũng khoảng 1,5 triệu mỗi tháng.
Mức giá khác nhau, sự thuận tiện cũng khác, nhưng tất cả đều có điểm chung: Dũng phải gửi lại chìa khóa cho người trông.
Bất cập nảy sinh từ thực tế khi nhiều bãi giữ xe tại Hà Nội hiện nay vốn là những khu đất chưa được quy hoạch hoặc chủ sở hữu chưa dùng đến, đi cho thuê lại. Những nơi này thường chỉ có nền đất, hoặc rải đá dăm, cao cấp nhất chính là mặt đường đi được tận dụng làm nơi đỗ xe. Ôtô nằm ngoài trời, chịu mưa nắng quanh năm. Nơi ít xe có thể được sắp xếp cố định chỗ đỗ. Nhưng nơi chật hẹp, lại nhiều người gửi, thì người trông phải tự bố trí, di chuyển xe khi cần để lấy chỗ cho xe ra, vào, vì thế họ thường yêu cầu chủ xe để lại chìa khóa.
Chuyện không có gì đáng nói nếu không có những rắc rối nảy sinh từ việc giao xe giao cả chìa cho người khác. Trong suốt thời gian này, với người trông xe tử tế, chính trực, khối tài sản của ai đó sẽ bất di bất dịch, hoặc chỉ khởi động rồi dịch chuyển vài mét để sắp chỗ. Nhưng có trường hợp khi tài xế lấy xe vào buổi sáng hè sau một đêm oi bức, lại thấy cabin mát rượi như ai đó vừa bật điều hòa, thậm chí nhận thấy mức xăng hụt đi đáng kể. Hay xe khi gửi còn "phẳng phiu" nguyên vẹn, đến khi lấy lại thấy móp ba-đờ-sốc trước hoặc trầy ốp đèn hậu mà không biết tại ai.
Khi các bãi giữ xe phần lớn là tự phát, giữa người gửi và người nhận không có bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào, chủ yếu do tin tưởng. Thực tế, các chủ xe thường buộc phải tin tưởng trao gửi tài sản của mình qua đêm, thậm chí cả tuần cả tháng bởi không còn sự lựa chọn nào khác.
Việc giao chìa cho người khác còn phổ biến ở các cửa hàng, quán ăn, nơi các tài xế thường được nhân viên bảo vệ yêu cầu đưa chìa khóa để họ đưa đi gửi do bãi đỗ không nằm ngay gần nơi mua sắm, ăn uống.
Chính vì việc chỉ có niềm tin làm chứng, khi xảy ra sự cố, nhẹ như hỏng hóc, trầy xước, thậm chí lớn chuyện như gây tai nạn hay mất xe, các chủ xe không biết làm thế nào để đòi đền bù.
Anh Dũng cho biết, một người quen của anh mới đây bị mất chiếc Toyota Vios khi gửi ở bãi xe và giao chìa lại cho người trông. Sự cố dẫn tới kiện tụng và hiện chưa biết lúc nào mới giải quyết xong.
Nhưng dù băn khoăn và thấy bất an trước việc phải giao lại chìa cho người trông mỗi khi gửi xe, Dũng vẫn buộc phải quyết định giữa 2 bãi xe gần nhà bởi không còn lựa chọn nào khác.