Thế nhưng, trong hoàn cảnh thiếu điểm trông giữ phương tiện như hiện nay, việc áp dụng đúng những quy định này vào thực tế gặp không ít khó khăn.
Để đảm bảo cho an toàn học sinh (HS)…, từ nhiều năm nay, ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương đã có chủ trương cấm các cơ sở giáo dục tổ chức trông giữ phương tiện trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, cũng ngần ấy năm, hàng trăm ngàn mét vuông sân trường vẫn đã và đang được tận dụng làm nơi trông giữ phương tiện qua đêm.
“Vừa mắng vừa la” cũng đắt hàng
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số cơ sở giáo dục như trường THCS Đống Đa, Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa), Mầm non Họa Mi (quận Thanh Xuân), THPT chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông), Tiểu học Tô Hoàng, Tiểu học Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng)..., việc biến sân trường thành nơi trông giữ phương tiện vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ban đêm. Trong sân trường, từ những gốc cây, khu thể dục thể thao và nhà để xe của giáo viên, HS đều được tận dụng để trông giữ xe.
Trong vai người có nhu cầu tìm điểm gửi xe ban đêm tại trường THCS Đống Đa, nơi đang tiến hành trông giữ gần 100 xe máy và hàng chục xe ô tô mỗi đêm, phóng viên được những người đang trực tiếp gửi xe tại đây cho biết, giá gửi xe ô tô qua đêm là 40.000 đồng/lượt, gửi tháng từ 1 - 1,2 triệu đồng tùy theo vị trí. Thời gian gửi xe bắt đầu từ khi HS tan trường và bắt buộc phải đưa xe ra trước 7 giờ sáng hôm sau. Tương tự, tại trường Tiểu học Thịnh Hào, mặc dù diện tích sân trường khá khiêm tốn, nhưng hàng đêm vẫn có hàng chục chiếc xe ô tô, từ xe cá nhân đến xe taxi án ngữ.
Ông Lê Đình Thắng, khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa cho biết, đây là khu vực tập trung rất nhiều tòa chung cư kiểu cũ, không có tầng hầm nên rất khan hiếm điểm trông giữ xe. Do đó, dù gửi xe qua đêm trong sân trường có quy định rất ngặt nghèo về mặt thời gian, nhưng vấn đề này không quan trọng đối với những người có nhu cầu. Tình trạng trên diễn ra càng phổ biến và phức tạp trên những khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm… Tại đây, không phải cứ muốn là sẽ được đáp ứng, nhiều trường hợp phải vận dụng đủ mọi mối quan hệ, thậm chí “ép từ trên xuống dưới” mới mong kiếm được chỗ để xe qua đêm trong sân trường.
1.001 lý do
Trao đổi với phóng viên, hầu hết lãnh đạo các cơ sở giáo dục khi được hỏi đều thừa nhận đây là việc làm sai quy định. Tuy nhiên, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên nhiều khi họ buộc phải “khoanh vùng” cho vi phạm tồn tại. Bà Định Thị Vân Hồng – Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa chia sẻ, xung quanh trường đều là các khu tập thể cũ không có tầng hầm nên nhu cầu gửi xe của người dân rất lớn. Bên cạnh đó, hiện nay, mức lương của các nhân viên bảo vệ trong trường chỉ dao động từ 1,4 – 1,9 triệu đồng/tháng, tùy theo thâm niên công tác. Như vậy, nếu nhà trường kiên quyết cấm nhân viên bảo vệ nhận trông giữ phương tiện qua đêm, không cho người dân gửi xe trong trường thì bảo vệ không có thêm thu nhập để đảm bảo được cuộc sống, người dân cũng không biết để xe ở đâu (?).
Theo tìm hiểu, một trong những nguyên dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ chính các đơn vị có liên quan. Cụ thể, lãnh đạo một cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, từ giữa năm 2016, UBND quận đã có văn bản cấm trông giữ phương tiện trong sân trường, nhưng chỉ cấm với ô tô! Do đó, để cải thiện thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, nhà trường đã chuyển sang trông giữ… xe máy. Trong khi đó, lãnh đạo một số trường tổ chức trông giữ xe ô tô qua đêm lại đưa ra lý do Sở GD&ĐT dù không có văn bản nào cho phép trông giữ xe trong sân trường, nhưng cũng không có văn bản nào cấm hành vi này (?). Vì thế, dù biết là sai, nhưng nhiều nhà trường vẫn… có cơ sở để vi phạm.
Theo quy định chung, các đơn vị sự nghiệp công lập không được dùng tài sản để cho thuê mượn. Do đó, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo ngành là nghiêm cấm các trường học công lập cho thuê mượn địa điểm, sử dụng vào mục đích kinh doanh, sản xuất... Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn |
(Còn nữa)