Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những điều kiện kinh doanh hiện nay chúng ta đang áp đặt quá mức cần thiết. Chính vì thế nó làm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi thấy không công bằng vì một bên không kiểm soát gì cả còn một bên bị kiểm soát quá chặt.
“Bây giờ, chúng ta kiểm soát cái anh kia mà phải kiểm soát đúng anh ấy là anh ấy chứ không phải kiểm soát anh ấy theo kiểu anh ấy là nam bắt anh ấy mặc váy nữ? Không phải như thế, phải quy định các điều kiện riêng cho anh ấy và các anh taxi, các xe hợp đồng này thì mình phải có điều kiện kinh doanh phù hợp, bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết”, bà Trang ví von và nêu rõ quan điểm.
Từ đó, bà Trang đưa ra dẫn chứng thực tế hiện nay trong việc quản lý kiểm soát thiết bị giám sát hành trình. “Nếu nó xảy ra vấn đề gì thì các anh có cái kiểm soát hành trình, trong khi các anh lại trả lời là hàng triệu xe thế ai mà đi kiểm soát cho nổi. Mình bắt họ làm xong mình nói mình không quản lý nổi, thế thì thôi không cần phải đặt ra những điều kiện kinh doanh như vậy”, bà Trang đưa ra quan điểm.
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho hay, quan điểm trên là phản khoa học, bởi lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách là ngành nghề có điều kiện. Vì thế, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình rất cần thiết và bắt buộc để bảo đảm quá trình giám sát, theo dõi và quản lý hành trình chuyến xe.
“Trên hết là phải bảo đảm điều kiện an toàn tối đa cho hành khách, giúp quản lý tài xế trong mỗi chuyến xe. Tôi đã nói rõ quan điểm rất nhiều lần, ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách cần quy định chặt chẽ về các điều kiện an toàn cho hành khách, cho tài xế và cho cả chuyến hành trình, không thể bỏ bất cứ điều kiện nào liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho hành khách. Vì thế, nếu đề nghị bỏ thiết bị giám sát hành trình trên xe tức là bỏ đi điều kiện an toàn tối thiếu phải có trên mỗi chuyến xe, như thế là phản khoa học, phí thực tế và đi ngược lại những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong việc đưa ra các quy định chặt chẽ trong ngành kinh doanh vận tải hành khách”, ông Hỷ nhấn mạnh.
Về quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải, Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, lĩnh vực vận tải liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, thậm chí nhiều người. Thế nên, đối với vấn đề an toàn giao thông hiện nay, không thể nới lỏng các điều kiện kinh doanh vận tải mà phải siết chặt.
Theo Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, thực tế, hiện các lái xe taxi chính thống phải chịu sự quản lý, sát hạch, đào tạo, huấn luyện kỹ năng, tác phong, quy trình phục vụ hành khách và đạo đức nghề nghiệp theo quy chuẩn đã được xây dựng bấy lâu nay bởi các bộ ngành có liên quan và các hiệp hội taxi, vấn đề này đã và đang trở thành nề nếp ổn định.
Trong khi, hiện có hơn 218.000 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi tham gia kinh doanh ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, xe hợp đồng chiếm 51%, xe kinh doanh chở khách du lịch chiếm 1%, xe tuyến cố định khoảng 10%, xe buýt chiếm 4%. Chỉ riêng trong năm qua, xe hợp đồng (hay còn gọi là xe hợp đồng điện tử) tăng 47%, khiến trật tự đô thị (quy hoạch giao thông) bị phá vỡ vì nhà nhà, người người đều có thể kinh doanh vận tải mà không bị bất cứ ràng buộc nào cả. Gần như hễ có xe ô tô là có quyền đưa đón khách để kiếm tiền, không cần điều kiện kinh doanh chặt chẽ như taxi chính thống. Đây chính là nguyên nhân sâu xa gây ùn tắc giao thông và đe dọa an toàn giao thông đô thị.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2018 toàn quốc có 8.248 người chết vì TNGT, bị thương 14.802 người. So với các năm trước đó, số người chết và bị thương có giảm, nhưng số người thiệt mạng vẫn còn rất lớn. Chỉ riêng từ ngày 16-12-2018 đến 15-1-2019, toàn quốc xảy ra hơn 1.500 vụ tai nạn, làm 728 người chết, bị thương 1.137 người. So với tháng 12-2018, số người chết vì tai nạn giao thông tăng 98 nạn nhân. Đây được xem như tình trạng báo động khẩn cấp.