Theo Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Anh, TP đã triển khai phần mềm "Hệ thống khai báo y tế điện tử" áp dụng thống nhất cho tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, với mục đích hỗ trợ truy vết nhanh các trường hợp nghi nhiễm thay thế cho hình thức khai báo thủ công bằng giấy.
Phần mềm này đã phát huy hiệu quả, phát hiện được nhiều ca nghi nhiễm và truy vết được nhiều trường hợp mắc Covid-19 từng đến các cơ sở y tế và xử lý kịp thời, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Dịch diễn biến phức tạp, ngày càng nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh bị phong toả
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của “Hệ thống khai báo y tế điện tử” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP chỉ đạo ứng dụng khai báo y tế điện tử trên địa bàn TP bắt đầu từ ngày 24/6/2021. Đối tượng áp dụng là người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí, nơi tập trung đông người.
Cụ thể, các trụ sở làm việc, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy, xí nghiệp; nơi tập trung đông người gồm bệnh viện các cơ sở y tế, chung cư, trường học, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ, phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng cung cấp các dịch vụ thiết yếu... đều phải thực hiện khai báo y tế điện tử.
Trước đó, trưa ngày 23/6, Bộ Y tế thông báo, cả nước có thêm 135 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó tại TP ghi nhận 91 bệnh nhân. Hiện số ca bệnh trên địa bàn TP đã chính thức vượt mức 2.000 ca.
Đến chiều cùng ngày 23/6, Bộ Y tế đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu TP Hồ Chí Minh và UBND 9 tỉnh thành đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo Bộ Y tế, để phòng dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ đã phân bổ hai đợt cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) 70.000 liều và các viện, bệnh viện, các đơn vị trên địa bàn TP là 870.870 liều.
Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND TP và 9 tỉnh thành trên chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vắc xin được cấp.