Kế hoạch ban đầu, TP sẽ có hơn 600 bàn tiêm, nay TP tăng lên 1.000 bàn tiêm vaccine Covid-19, mỗi bàn ít nhất tiêm 300 người/ngày.
TP sẽ tổ chức tiêm chủng cho tất cả các đối tượng 18 tuổi trở lên. Như vậy, ngoài đối tượng ưu tiên từ 5 đợt tiêm đầu, đến đợt tiêm thứ 6, tất cả đối tượng người dân TP sẽ được tổ chức tiêm. Từ đợt tiêm thứ 5 trở đi, các quận huyện, TP sẽ chủ động việc tiêm chủng cho người dân tại địa bàn, trên cơ sở hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn từ Sở Y tế.
Cụ thể, UBND TP yêu cầu tổ chức tiêm tại các cơ sở tiêm chủng cố định (bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, trạm y tế và cơ sở tiêm chủng khác) và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Thành phần cơ cấu nhân sự của 1 đội tiêm lưu động, gồm: 1 bác sĩ khám sàng lọc và xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm, 1 điều dưỡng thực hiện tiêm, 2 sinh viên y khoa thực hiện đo huyết áp và phụ tá cho bác sĩ khám sàng lọc. Ngoài ra, phân công từ 1 - 2 điều dưỡng phụ trách theo dõi phản ứng sau tiêm cho cả địa điểm tiêm (tùy theo số lượng bàn tiêm bố trí tại 1 địa điểm).
UBND TP giao Sở Y tế tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực tham gia tiêm chủng bao gồm y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành... để tổ chức tối thiểu 1.000 đội tiêm tham gia tiêm chủng tại các địa phương.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lập 1.000 đội tiêm, nỗ lực đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả
Đôn đốc các cơ sở y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm cho những đối tượng thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng tại bệnh viện.
Đồng thời, giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện bố trí nhân lực thực hiện tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ của địa phương làm việc toàn thời gian trong suốt chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng và thực hiện ít nhất 300 người/bàn tiêm/ngày, phát huy tối đa năng lực các điểm tiêm chủng.
Chọn lựa các địa điểm tổ chức tiêm vắc xin tại địa phương đảm bảo yêu cầu về giãn cách, đồng thời đáp ứng điều kiện bố trí quy trình tiêm chủng theo quy định.
Quận, huyện được giao chịu trách nhiệm xác minh nhân thân, lập danh sách tiêm chủng cho toàn bộ người dân cư trú trên địa bàn, xếp lịch tiêm chủng theo ngày tiêm, buổi tiêm. Lập kế hoạch tổ chức cụ thể tại từng điểm tiêm để điều phối người đến tiêm phù hợp, hiệu quả, có sự kết hợp giữa đối tượng tiêm là người dân địa phương và người lao động các cơ quan đơn vị trên địa bàn.
Hướng dẫn người dân thực hiện trước tại nhà việc khai báo y tế điền các phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc tiêm chủng bằng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đang áp dụng tại TP hoặc bằng bản giấy. Thông báo trước thời gian và địa điểm tiêm để người dân đến tiêm đầy đủ, đúng giờ theo lịch hẹn, giám sát và điều phối kịp thời để người dân không tập trung đông tại một thời điểm, đồng thời đảm bảo công suất tiến độ tiêm hằng ngày theo yêu cầu.
Chủ động bố trí nhân lực y tế của Trung tâm y tế, bệnh viện TP Thủ Đức và các quận, huyện để thành lập đội tiêm của địa phương có đủ thành phần theo hướng dẫn của ngành y tế. Kết nối chặt chẽ với lực lượng đội tiêm hỗ trợ của ngành y tế TP để bố trí nhân sự đội tiêm tại các điểm tiêm.
Về nguồn vaccine để tiêm, TP sẽ có hai nguồn: từ Bộ Y tế phân bổ và nguồn của UBND TP trên cơ sở vận động xã hội hóa và đóng góp của doanh nghiệp. Tiến độ tiêm sẽ phụ thuộc vào lượng vaccine cung cấp, theo tinh thần, có nguồn vaccine đến đâu sẽ tiêm đến đó.
Tính đến thời điểm 14 giờ ngày 30/7, TP đã tiêm vaccine Covid-19 cho 490.0000 người/930.000 liều đợt 5, chiếm tỷ lệ 53%. Dự kiến vượt kế hoạch trước 1 tuần. Để đạt được tiến độ, TP sẽ tăng lượng liều tiêm theo từng địa bàn, có thể tiêm hơn 200 liều/ngày và cho tổ chức tiêm cả buổi tối sau 18 giờ.
Trước đó, trong chiều cùng ngày 30/7, Sở Y tế TP đã có văn bản yêu cầu các Phòng y tế quận huyện, TP Thủ Đức khẩn trương triển khai đến tất cả các nhà thuốc đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn về việc mua bán test nhanh chẩn đoán Covid-19.
Cụ thể, các nhà thuốc chỉ được bán các sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (ví dụ các test nhanh) đăng ký chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế. Nhà thuốc chỉ được mua các loại sinh phẩm trang thiết bị y tế chẩn đoán II vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Bộ Y tế cấp phép lưu hành và phải mua từ các nhà cung ứng hợp pháp đã được công bố theo quy định.
Dược sĩ phụ trách chuyên môn nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn người mua sử dụng đúng mục đích theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hướng dẫn người dân liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp chuyên môn kịp thời khi có kết quả nghi ngờ dương tính.
Theo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP đang diễn biến hết sức phức tạp; có nhiều ca mắc mới mỗi ngày khiến người dân rất lo lắng. Do vậy, nhiều người dân tự tìm đến các nhà thuốc để mua dụng cụ test nhanh để tự thực hiện xét nghiệm. Sở Y tế sẽ lập đoàn kiểm tra về việc thực hiện của nhà thuốc về việc mua bán các loại sinh phẩm trang thiết bị chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, test nhanh tại các nhà thuốc trên địa bàn.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh hướng dẫn F0 chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà Nhằm tránh tình trạng quá tải người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị và tạo tâm lý thoải mái cho F0 mau hồi phục sức khỏe, Sở Y tế TP đã ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà”. Sở Y tế lưu ý, đối với người bệnh Covid-19 hay người chăm sóc, người nhà cần ghi nhớ phải gọi ngay cho nhân viên y tế khi có một trong các dấu hiệu sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khi nhịp thở trên 20 lần/phút để được hướng dẫn xử trí phù hợp. Trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở, thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi hay đầu các ngón tay, chân, nồng độ oxy dưới 95% (nếu có dụng cụ đo nồng độ oxy tại nhà) phải gọi ngay Tổng đài 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh quận, huyện để được cấp cứu kịp thời. Trong lần triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà, nhiệm vụ của các cơ sở y tế và chính quyền địa phương sẽ được phân công một các cụ thể, rõ ràng nhằm xử lý, hỗ trợ tối đa cho người bệnh. |