Vai trò của bác sĩ Nguyễn Tiến Huy là gì?
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, dù không có hợp đồng hợp tác chuyên môn, nhưng Thẩm mỹ viện Sài Gòn Venus (TMV Sài Gòn Venus, địa chỉ 406 Trần Hưng Đạo phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh) và bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (BV Vạn Hạnh) vẫn âm thầm “bắt tay” thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê cho khách hàng trên danh nghĩa hợp đồng do bác sĩ Nguyễn Tiến Huy đại diện ký kết.
Theo đó, TMV Sài Gòn Venus là Phòng khám chuyên khoa PTTM do Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Huy là chủ cơ sở theo Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh số 41E8021211 được đăng ký lần đầu ngày 06/08/2008 và Giấy phép hoạt động khám chữa bệnh số 04321/SYT-GPHĐ ngày 07/11/2016 do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp.
Nhân viên của TMV Sài Gòn Venus đang làm động tác để thử độ đàn hồi của túi ngực - Ảnh cắt từ clip
Theo chứng chỉ số 0003962/BYT-CCHN ngày 10/10/2013 thì phạm vi hoạt động chuyên môn bác sĩ Nguyễn Tiến Huy là Khám bệnh, chữa bệnh, chuyên khoa PTTM. Như vậy, xét về góc độ cá nhân, bác sĩ Nguyễn Tiến Huy đủ chuyên môn để thực hiện các ca PTTM có gây mê, gây tê tủy sống. Dựa trên chứng chỉ hành nghề và thời gian thực hành tối thiểu 54 tháng theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt bác sĩ Nguyễn Tiến Huy là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của TMV Sài Gòn Venus.
Cần phải nhấn mạnh rằng, chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật chứ không phải dùng chuyên môn cá nhân của bác sĩ Nguyễn Tiến Huy đánh đồng thành chuyên môn của TMV Sài Gòn Venus. Vì thực tế, toàn bộ quy trình hoạt động (quảng cáo, tư vấn, cung cấp dịch vụ thẩm mỹ) của cở sở này (bao gồm cả hoạt động của bác sĩ Nguyễn Tiến Huy) buộc phải gói gọn trong phạm vi “Danh mục kỹ thuật” số 1262/QĐ-SYT mà Sở Y tế TP phê duyệt ngày 25/03/2016.
Với “Danh mục kỹ thuật” nói trên, TMV Sài Gòn Venus hiểu rất rõ những dịch vụ mà cở sở này được phép và không được phép thực hiện. Song, dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Nguyễn Tiến Huy hoạt động trái phép vẫn “lén lút” diễn ra từ nhiều năm nay. Và trong suốt quy trình hoạt động đó, bác sĩ Nguyễn Tiến Huy vừa là chủ sở hữu vừa là người trực tiếp tư vấn cho khách hàng, người đại diện ký hợp đồng hợp tác chuyên môn với BV Vạn Hạnh, và cũng là bác sĩ đứng mổ... Với vai trò quyết định, không ai khác bác sĩ Nguyễn Tiến Huy là người thu lợi nhiều nhất từ những sai phạm của Venus.
Đồng hành và cùng chia sẻ lợi nhuận với bác sĩ Nguyễn Tiến Huy, không thể không kể đến sự hậu thuận to lớn từ phía BV Vạn Hạnh. Trên cơ sở “HỢP ĐỒNG CUNG CẤP DỊCH VỤ HỖ TRỢ CHUYÊN MÔN Y TẾ” số 2525/HĐHT ngày 02/01/2020, bác sĩ Nguyễn Tiến Huy và Tổng Giám đốc BV Vạn Hạnh - bà Huỳnh Thị Kim Dung đã thống nhất nhiều điều khoản về quyền và nghĩa vụ giữa hai bên. Cụ thể, quyền và nghĩa vụ sẽ căn cứ theo từng ca PTTM mà khách hàng là của bác sĩ Nguyễn Tiến Huy và phòng mổ là của BV Vạn Hạnh.
Là bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép hoạt động, hành vi cho thuê phòng mổ của BV Vạn Hạnh là đúng hay sai? Hành vi này có tương tự như hành vi “cho thuê giấy phép hoạt động”?
Trong Hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế số 2525/HĐHT ngày 02/01/2020 hoàn toàn không có "bóng dáng" TMV Sài Gòn Venus
BV Vạn Hạnh “buông lỏng” quản lý
Để làm rõ sai phạm đã và đang diễn ra tại TMV Sài Gòn Venus, PV Báo Kinh tế và Đô thị đã gửi nhiều câu hỏi liên quan và bác sĩ Nguyễn Tiến Huy cũng đã có những phản hồi cụ thể. Tuy nhiên, chính những phản hồi này đã tố cáo sự “buông lỏng” trong quản lý của BV Vạn Hạnh. Vấn đề nghiêm trọng đang được nhắc đến là hiện tượng cho “thuê pháp lý” để PTTM trái phép.
Như đã phân tích ở trên, BV Vạn Hạnh “lấp liếm” việc cho thuê phòng mổ bằng hình thức ký “hợp đồng hợp tác chuyên môn” với bác sĩ Nguyễn Tiến Huy. Hành vi này của BV Vạn Hạnh tương tự như hành vi “cho thuê giấy phép hoạt động”, tức BV Vạn Hạnh được cấp phép hoạt động, nhưng lại cho “thuê pháp lý” để bác sĩ Nguyễn Tiến Huy đưa khách từ TMV Sài Gòn Venus vào BV để phẫu thuật.
Chia sẻ với PV Báo Kinh tế và Đô thị, một bác sĩ thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, thông thường người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của BV phải có trách nhiệm phân công bác sĩ tham gia khám chữa bệnh phù hợp bằng cấp, khả năng, kinh nghiệm chuyên môn của họ… Để có thể tiến hành một ca phẫu thuật tại BV, dù lớn hay nhỏ, đều phải thông qua một quy trình chặt chẽ từ khám bệnh trước mổ, hội chẩn trước mổ và cuối cùng duyệt mổ của lãnh đạo BV.
“Cho phép một bác sĩ đưa bệnh nhân vào BV để phẫu thuật là hành vi không được phép. Nhưng để qua mặt cơ quan quản lý, nhiều BV cứ cho bệnh nhân vào mổ trước rồi sau đó mới mới hoàn thành các thủ tục để đối phó. Khi kiểm tra, cơ quan thanh tra thấy có đủ hồ sơ khám bệnh, hội chẩn, duyệt mổ… nhưng thực tế có thể không có cuộc hội chẩn nào diễn ra trước đó”, bác sĩ này nhấn mạnh.
Rõ ràng, từ một cơ sở không được cấp phép thực hiện PTTM có gây mê, gây tê tủy sống, TMV Sài Gòn Venus đã sử dụng hợp đồng thuê phòng mổ giữa bác sĩ Nguyễn Tiến Huy và BV Vạn Hạnh (cơ sở được Bộ Y tế cấp phép) để hoạt động. Việc làm này vô hình dung đã phá vỡ toàn bộ quy trình quản lý, cấp phép vốn rất chặt chẽ mà Bộ Y tế đã ban hành.
Trụ sở của BV Vạn Hạnh tại 781/B1-B3-B5 Hẻm 781 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh
Như vậy, với cách thức hoạt động trên, không riêng gì TMV Sài Gòn Venus hay bác sĩ Nguyễn Tiến Huy. Một TMV bất kì hay một bác sĩ bất kì trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng có thể thực hiện đại phẫu mà không cần sự cấp phép của Bộ Y tế hay sự quản lý của Sở Y tế TP. Cái quan trọng nhất là phải có một BV được cấp phép đồng ý cho thuê pháp lý dưới danh nghĩa cho thuê phòng mổ, hay nói khéo hơn là hợp tác chuyên môn…
Sự “buông lỏng” trong quản lý của BV Vạn Hạnh là cơ hội để TMV Sài Gòn Venus hoạt động trái phép, nhưng lại là rủi ro với người tiêu dùng. Mục tiêu lớn nhất của mọi ca phẫu thuật thẩm mỹ là sắc đẹp phải đi đôi với an toàn sức khoẻ. Hầu hết các bệnh nhân đều mơ hồ khi cho rằng chỉ cần ca phẫu thuật diễn ra tại BV thì BV sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm, mà không hề hay biết phần trách nhiệm này đã được BV Vạn Hạnh quy định rõ là do bác sĩ Nguyễn Tiến Huy đảm nhiệm.
Vậy, cuối cùng TMV Sài Gòn Venus đã trót lọt bao nhiêu ca PTTM trái phép, các khoản thu từ hoạt động trái phép sẽ được “ăn chia” như thế nào với BV Vạn Hạnh? TMV Sài Gòn Venus sẽ kê khai và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế như thế nào? Các khoản thu từ hoạt động trái phép có được kê khai đóng thuế hay không?
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết tiếp theo.
Tử vong sau nâng ngực tại BV Vạn Hạnh Tháng 4/2017, bệnh nhân S.B.T thực hiện phẫu thuật nâng ngực tại BV Vạn Hạnh, do bác sĩ L.T.H. thực hiện (vị bác sĩ này có hợp đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên môn y tế với BV Vạn Hạnh từ năm 2014 – 2017). Khoảng 10 ngày sau khi làm đẹp, ngực bệnh nhân bị chảy dịch, có biểu hiện sốc nhiễm trùng nên được người thân đưa đến BV Đa khoa khu vực Hóc Môn cấp cứu. Thấy tình trạng nguy kịch, BV này đã chuyển bệnh nhân lên BV Nhân Dân 115. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mang thai khoảng 16 – 17 tuần, bị suy hô hấp, tụt huyết áp, phải thở máy, lọc máu. Dù được bác sĩ tích cực cứu chữa, người bệnh vẫn bị suy đa phủ tạng, không hồi phục. Ngày 4/5/2017, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu và tử vong sau đó. Sau sự việc, Sở Y tế TP đã yêu cầu BV Vạn Hạnh phải rà soát, củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình liên quan đến phẫu thuật, đặc biệt quy trình tư vấn và thăm khám trước phẫu thuật. |