Hỏng men răng
Uống nhiều nước chanh khiến men răng bị hỏng. |
Do chanh có độ axit cao, việc thường xuyên tiếp xúc với nước chanh có thể bào mòn men răng của bạn. Răng của bạn sẽ chuyển màu vàng và có bề mặt thô nhám. Để hạn chế điều này, bạn có thể sử dụng ống hút khi uống nước chanh loãng.
Trào ngược dạ dày
Nước chanh loãng có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng uống quá nhiều có thể gây tình trạng trào ngược dạ dày, khiến bạn khó chịu.
Thừa vitamin C
Buồn nôn, nôn hay dạ dày khó chịu sau khi uống nước chanh có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần giảm lượng vitamin C nạp vào cơ thể. Khi uống quá nhiều nước chanh và thêm lượng vitamin C từ các thực phẩm, hoa quả khác (trên 2.000 mg), cơ thể bạn không hấp thụ hết. Để cân bằng, nước sẽ được chuyển vào ruột để đẩy vitamin C thừa ra, gây tình trạng buồn nôn, đau bụng hoặc tiêu chảy.
Nhiệt miệng nặng hơn
Đó là những vết loét nông bên trong miệng (hoặc ở nướu răng), và chúng đau đớn hơn khi uống nước chanh. Axit xitric trong chanh có thể làm cho các vết loét tệ hơn và thậm chí gây ra nhiều đau đớn hơn nữa. Do đó, không dùng chanh (hoặc bất kỳ trái cây họ cam quýt nào) nếu bạn bị nhiệt miệng cho đến khi được chữa lành hoàn toàn.
Làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng và loét dạ dày
Theo nghiên cứu, nước chanh có thể kích hoạt hoặc thậm chí làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng do kích hoạt pepsin, một loại enzyme trong dạ dày phân hủy protein. Sự trào ngược của các loại nước tiêu hóa trong dạ dày có thể kích hoạt các phân tử pepsin trong thực quản và cổ họng, dẫn đến chứng ợ nóng. Nước chanh cũng có thể làm trầm trọng thêm loét dạ dày tá tràng do có tính axit quá cao.
Thường xuyên đi tiểu
Nước chanh, đặc biệt là nước chanh ấm có thể hoạt động như một thuốc lợi tiểu. Nó có thể làm tăng sản lượng nước tiểu, và nếu điều này xảy ra quá mức, bạn thậm chí có thể bị mất nước. Các loại trái cây có tính axit như chanh cũng có thể gây kích ứng bàng quang, dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn. Uống quá nhiều nước chanh cũng có liên quan đến tình trạng thiếu kali.